Nguy cơ xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Việc Mỹ định đưa máy bay, tàu chiến tiến sát các “đảo nhân tạo” do Trung Quốc bồi đắp trái phép có nguy cơ dẫn đến xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông.

Tờ  Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức quân sự giấu tên của Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét việc đưa  máy bay do thám và tàu chiến của Hải quân Mỹ đến sát các rạn san hô và “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông.
Nguy co xung dot Trung-My o Bien Dong
Tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.
Điều này đồng nghĩa với việc tàu chiến và máy bay Mỹ xâm nhập khu vực 12 hải lý của các rạn san hô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và dẫn đến  phản ứng quyết liệt từ Bắc Kinh.
Thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Lầu Năm Góc đang tìm cách chứng tỏ Mỹ  không chấp nhận việc Trung Quốc đắp đảo và xây dựng đường băng sân bay, cảng biển trên các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông. Theo WSJ, phía Mỹ cho rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc nằm trên các rạn san hô ngầm chứ không phải là đảo theo qui định của luật pháp quốc tế. Do đó, chúng không  được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý. Công trình hút cát đắp đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm buộc cộng đồng quốc tế coi các “đảo nhân tạo” này như các hòn đảo tự nhiên thực sự.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc phản ứng dữ dội trước ý đồ nói trên của phía Mỹ.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/5,  phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc "vô cùng lo ngại" và yêu cầu Mỹ giải thích rõ chuyện này. Bà Hoa Xuân Oánh nói tự do hàng hải “không có nghĩa là tàu chiến và máy bay nước ngoài có thể tùy tiện xâm nhập lãnh hải và vùng trời của của một quốc gia”. Bà này nói thêm rằng "Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và kêu gọi các nước khác tránh tiến hành “mọi hành động nguy hiểm hoặc khiêu khích”.
Theo WSJ, rất có thể ý định của Lầu Năm Góc đưa máy bay tàu chiến đến sát các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép không trở thành hiện thực. Đây chỉ là một trong những lựa chọn khác nhau của Lầu Năm Góc để  phản ứng mạnh mẽ hơn trước hành động “cậy mạnh hiếp yếu” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối đầu quân sự Trung-Mỹ ở Biển Đông
Tuy nhiên, theo WSJ, nếu Lầu Năm Góc thực hiện ý đồ nói trên, một cuộc đụng độ Trung-Mỹ ở Biển Đông là khó có thể tránh khỏi.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang ráo riết xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự mới ở Quần đảo Trường Sa, trong đó có các đường băng sân bay lớn ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi. Đá Chữ Thập cũng có hải cảng mới cho phép các loại tàu chiến Trung Quốc đồn trú.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rõ rằng mục đích xây đảo ở Biển Đông là "bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc”, trong đó có thể bao gồm việc triển khai vũ khí khí tài để ngăn chặn máy bay, tàu chiến nước ngoài “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”.
Tính đến vụ va chạm giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và máy bay tuần tra biển của Mỹ năm 2001, ý đồ của Mỹ đưa tàu chiến máy bay đến sát các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp trái phép có thể dẫn đến các vụ đụng độ tương tự.
Các nhà phân tích đã lo ngại rằng một tính toán sai lầm hoặc sự cố ngẫu nhiên có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự Trung-Mỹ ở Biển Đông.
Tạo cớ cho Trung Quốc thiết lập ADIZ
Một hậu quả khác có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần Biển Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không loại trừ mưu đồ thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Ngày 7/5, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên rằng "Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ” và  quyết định thiết lập ADIZ (trên Biển Đông) "phụ thuộc vào việc an ninh không phận bị đe dọa đến mức độ nào”. Nếu Mỹ đưa máy bay tuần tra giám sát vào không phận của các “đảo nhân tạo” ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép, Bắc Kinh sẽ coi đây là một mối đe dọa nghiêm trọng. Điều này xem ra là một chất xúc tác thúc đẩy Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Có một "nhân tố bí ẩn" trong câu chuyện này là phán quyết của Tòa án Trọng tài UNCLOS trong vụ Philippines kiện tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc. Nếu tòa án phán quyết một số rạn san hô nào đó không được phép có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, thì Mỹ sẽ ở vị thế mạnh hơn trong việc đưa tàu chiến máy bay đến gần các rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng và trái phép biến thành “đảo” ở quần đảo Trường Sa.
Minh Châu (Theo WSJ)

Bình luận(0)