Người ta tự hỏi nguyên do đằng sau thách thức nói trên, việc thực hiện thách thức đó được thực thi như thế nào trong thực tế và những tác động của nó là gì?
Quân đội Mỹ đã đề ra các biện pháp thách thức hoạt động cải tạo đất mà Trung Quốc đang ráo riết tiến hành ở Biển Đông. Nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đòi hỏi những đặc quyền cho các “hòn đảo nhân tạo” mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, những đặc quyền (như có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa…) mà các rạn san hô và bãi đá ngầm không hề có.
|
Quá trình hút cát đắp đảo trái phép của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa.
|
Điều 60 (8) của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã qui định rõ rằng đảo nhân tạo, các cấu trúc nhân tạo nổi lên trên mặt biển không được coi là đảo. “Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”.
Tàu và máy bay Hải quân Mỹ sẽ được sử dụng để minh họa Điều 60 (8) của UNCLOS. Chiểu theo Điều 60 (8) này, tàu chiến Mỹ có thể đi qua vùng biển sát các “đảo nhân tạo” của Trung Quốc vì các tính năng được cải tạo đất nói trên không có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý.
Nếu phản đối hành động của tàu Mỹ, Trung Quốc sẽ phải công khai tuyên bố rằng những thực thể mà nước này bồi đắp trên các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Biển Đông là “đảo” và điều này vi phạm luật pháp quốc tế (UNCLOS) mà Bắc Kinh đã ký kết. Mặt khác, nếu im lặng, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận thách thức trực tiếp về pháp lý đối với hoạt động cải tạo đất (mà thực chất là hút cát đá, đắp đảo trái phép) ở Biển Đông. Qua hành động nói trên, người Mỹ muốn chứng minh rằng cam kết của họ đối với tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế không phải là “nói suông” và hối thúc Bắc Kinh làm rõ mức độ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tất nhiên, hành động này cũng chứa đựng nhiều rủi ro, một phần tùy thuộc vào cách nó được thực thi như thế nào cũng như phản ứng của Bắc Kinh. Về cơ bản, Mỹ sẽ bị lôi kéo vào một khu vực tranh chấp - trong đó các tính năng có thể được định nghĩa khác nhau - để hỗ trợ cho quan điểm pháp lý quốc tế mà Trung Quốc có thể không chấp nhận.
|
Việc đưa tàu chiến và máy bay hải quân Mỹ đến gần hoặc đi qua các “hòn đảo nhân tạo” (của Trung Quốc) tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Việc đưa tàu chiến và máy bay hải quân Mỹ đến gần hoặc đi qua các “hòn đảo nhân tạo” (của Trung Quốc) tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tính toán sai lầm từ phía máy bay, tàu chiến của Mỹ và tàu Trung Quốc. Trong khi đây là những rủi ro mà Washington có thể cuối cùng sẽ phải sẵn sàng chấp nhận, điều quan trọng là thấy trước được những hậu quả của hành động này.
Theo The Wall Street Journal, khi máy bay Mỹ bay gần (chứ chưa vào) khu vực 12 hải lý quanh các “đảo nhân tạo” nói trên, ở bên dưới đã ngay lập tức cảnh báo rằng máy bay đang tiến gần “lãnh thổ Trung Quốc”.
Trung Quốc đã phản ứng trước thách thức của Mỹ thông qua việc thề sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và cảnh báo các bên “tiến hành các hành động mạo hiểm và khiêu khích”.
Hơn nữa, hiện chưa rõ liệu động thái “đưa tàu và máy bay hải quân” đến gần các “đảo nhân tạo” có buộc được Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của mình. Bắc Kinh có thể ra tuyên bố lên án Mỹ phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông, trong khi vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng đảo trái phép.