Mỹ có kiềm chế được Trung Quốc ở Biển Đông?

Google News

Vai trò anh cả của Mỹ đang trở nên mờ nhạt tại các điểm nóng trên thế giới. Ở Biển Đông, liệu Mỹ có làm nên chuyện?

Các biện pháp được Mỹ tung ra ở Biển Đông
Hai ngày qua, thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nóng lên khi Thượng viện Mỹ, với 100% phiếu thuận,  thông qua Nghị quyết về an ninh hàng hải Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc thiết lập lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 1/5/2014, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đây là động thái mạnh mẽ của Mỹ trước hàng loạt hành động gây hấn leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua. Nó cho thấy Mỹ đang nỗ lực nhằm ngăn ngừa xảy ra xung đột tại Biển Đông. 
Tuy nhiên, giới quan sát lại nghi ngờ tiếng nói của Mỹ có kiềm chế hay áp đặt được Trung Quốc hay không. Có ý kiến cho rằng, khả năng Trung Quốc tuân thủ Nghị quyết của Thượng viện Mỹ hầu như không xảy ra, thậm chí còn bị chính Trung Quốc lật lọng với những tuyên bố ngạo mạn về Biển Đông.
Phát biểu khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế ở Bắc Kinh tháng 7/2014, Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo việc Bắc Kinh tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở Biển Đông là không thể chấp nhận".
Tháng 6/2014, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết không ràng buộc, phê phán các tàu Trung Quốc "dùng vũ lực" trong một số sự việc trên Biển Đông, nơi có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp nhau. Tuy nhiên, ngay lập tức ngày 28/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nghị quyết của Thượng viện Mỹ về các hành động của Trung Quốc là "vô lý".
Đầu tháng 7, trong chuyến thăm Việt Nam, Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mỹ tiếp tục theo dõi, ủng hộ Việt Nam đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, đáp trả lại yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc không những không rút giàn khoan Hải Dương 981 mà còn di chuyển các giàn khoan khác tới vùng biển Hoàng Sa khiến tình hình thêm căng thẳng.
Mỹ có tìm lại được vị thế trong khu vực?
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế ở Bắc Kinh kết thúc vào ngày 10/7 mà không có bất kỳ bước đột phá nào về cách giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. Vậy nên, Mỹ có làm nên chuyện ở Biển Đông hay không vẫn còn phải chờ đợi.
Suốt từ năm 2013 đến nay, Mỹ thể hiện vai trò mờ nhạt tại nhiều điểm nóng trên thế giới, nếu không nói là thất bại. Syria, Ai Cập, Afghanistan, Iraq,... Mỹ đã thực sự mất Trung Đông và những vấn đề mới nảy sinh trong thế giới Ả rập đối với Mỹ là rất nghiêm trọng và nước này không giải quyết nổi.
Dưới thời Tổng thống Obama, vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt trên thế giới. 
Tháng 7/2013 tại Ai Cập đã diễn ra đảo chính, trong đó Tổng thống Morsi thân Mỹ đã bị loại khỏi chính quyền và ban đầu Mỹ đã lên án mạnh mẽ giới quân sự tiếm quyền, nhưng chẳng bao lâu Mỹ bắt buộc phải rút lại tuyên bố.
Còn ngay sau khi chiến dịch Syria của các Hoàng tử Ả rập đổ vỡ, Ả-rập Xê-út từ chối nhận ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc rõ ràng là muốn chứng tỏ sự bất bình của mình đối với Mỹ đã bỏ rơi họ ở Syria.
Diễn biến tại dải Gaza mấy ngày qua nóng bỏng khi Israel và phong trào Hồi giáo Hamas liên tục có các màn đọ súng. Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thể hiện ý định của Washington làm trung gian cho một thỏa thuận chấm dứt sự thù địch giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, ông Netanyahu đã bác bỏ ý định nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas trong ngắn hạn. Trái lại, nhà lãnh đạo Israel tuyên bố sẽ tiến hành thêm nhiều giai đoạn khác trong chiến dịch quân sự hiện nay.
Vai trò "anh cả" mờ nhạt trên các chiến trường khác, vậy quay trở lại Biển Đông, liệu Mỹ có thể làm gì? Mặc dù Mỹ lên án những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng lại tuyên bố không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ nên không nước nào có thể thực sự dựa vào Mỹ.
Tại hội thảo về Biển Đông tổ chức tại Trung tâm chiến lược quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) vào ngày 10-11/7, các học giả và các chuyên gia đã gợi ý về một khối đồng minh châu Á-Thái Bình Dương theo mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Chính vì thế, nếu như Mỹ muốn tìm lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình hẳn nước này sẽ phải tính toán lại để tìm ra chiến thuật kiềm chế Trung Quốc hiệu quả hơn.
Theo BDV

Bình luận(0)