Mỹ “cài số lùi” trong vấn đề Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Mạng tin Đa chiều ngày 25/6/2015 đăng bài “Mỹ đã cài số lùi khỏi vấn đề Biển Đông” của J. Stark, một chuyên gia Mỹ về vấn đề Châu Á.

Bài báo đăng trên mạng tin Đa Chiều ở Hong Kong viết trước khi bước vào Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vòng 7, hai bên có thái độ căng thẳng trong vấn đề Biển Đông.
My “cai so lui” trong van de Bien Dong?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Mỹ mạnh mẽ lên án Trung Quốc bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo, phá hoại nghiêm trọng hiện trạng và gây căng thẳng trong khu vực. Trong Đối thoại Shangri-La Singapore (29/5 – 1/6/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên án mạnh mẽ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động phá vỡ nguyên trạng Biển Đông trái với luật pháp quốc tế này.
Ngày 16/6/2015, khi Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố sắp tạm ngừng công đoạn đắp đảo và tiếp tục xây dựng  công trình trên các “đảo nhân tạo” thì ngay lập tức phát ngôn viên Nhà trắng John  Kirby đã phản ứng gay gắt, cho rằng tuyên bố này không làm tình hình Biển Đông dịu đi và cũng không thúc đẩy cho hòa bình ổn định ở Biển Đông. Tuyên bố tạm ngừng bồi đắp “đảo nhân tạo” của Trung Quốc cũng không làm cho các nước trong khu vực mất cảnh giác và không hề làm giảm tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ngày 18/6/2015 bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc “hoàn thành đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông và nhấn mạnh tàu thuyền của các nước phải được tự do đi lại trên Biển Đông”.
Thậm chí, Washington còn nhấn mạnh rằng tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vòng 7, phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ “giới hạn cuối cùng về vấn đề Biển Đông”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng “tố” Mỹ là nước “ngoài khu vực”, nên không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Phía Trung Quốc còn khuyến cáo Mỹ nên “ăn nói thận trọng”, không nên xúi bẩy các nước chống Trung Quốc, từ đó làm cho tình hình quan hệ hai nước căng thẳng, làm tổn hại tới hòa bình ổn định trong khu vực cũng như quan hệ Trung-Mỹ.
Tuy nhiên ngay từ chuyến thăm Trung Quốc hai ngày (từ 18/5-19/5/2015) của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, phía Mỹ đã dịu giọng. Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry cam kết “Mỹ sẽ trung lập trong vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước có liên quan”.  Tiếp đó, trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 8/6 đến ngày 12/6/2015 của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Thượng tướng Phạm Trường Long, hai bên đã ký hai văn kiện hợp tác quân sự.
Về vấn đề Biển Đông, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại tướng  Raymond Odiernonói: “Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề của quan hệ hai nước. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, phía Mỹ không đứng về bên nào”. Về phần mình, Thượng tướng Phạm Trường Long cũng nói: “Không nên để vấn đề Biển Đông trở thành ‘tiêu điểm’ trong quan hệ hai nước”.
Để tỏ ra “nhân nhượng” Mỹ, ngày 16/6/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố: “Những công trình xây dựng đảo ở Biển Đông đã hoàn thành, nên tạm thời không xây dựng vào mùa mưa”.
Đồng thời, giới quân sự Trung Quốc đưa ra phương châm mới về chiến lược biển thời gian tới là “ổn bắc, hòa nam, tranh đông”, tức là giảm hoạt động ở Biển Đông trong vòng 5 năm tới tập trung đối phó Đài Loan và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông.
My “cai so lui” trong van de Bien Dong?-Hinh-2
Khi bước vào Đối thoại Chiến lược và Kinh tế” từ 23/6-24/6/2015 tại Washington, hai bên tránh đả động nhiều đến vấn đề Biển Đông. 
Bài báo cho biết khi bước vào Đối thoại Chiến lược và Kinh tế” từ 23/6 - 24/6/2015 tại Washington, hai bên tránh đả động nhiều đến vấn đề Biển Đông. Hai bên thảo luận khung hợp tác giữa hai nước trong thời gian 5 năm tới, nhưng không hề đả động tới vấn đề Biển Đông. Đồng thời hai bên muốn tránh đối đầu và đụng độ với nhau trên Biển Đông. Bởi vì, đối đầu đối kháng sẽ làm cho quan hệ hai nước thụt lùi đến 10 năm.
Thuyền trưởng tàu chiến đấu cận bờ USS Fort Worth cũng nói rằng để phòng ngừa hiểu lầm khi tàu chiến hai nước gặp nhau trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận phát đi tín hiệu nhận biết nhau trên vùng biển này.
Bài viết đăng trên mạng tin Đa chiều cho rằng rõ ràng, hai bên đều “cài số lùi” về vấn đề Biển Đông.  Tuy nhiên, do  sợ mất uy tín với các đồng minh và các nước ASEAN, nên trong thời gian tới, Mỹ vẫn có thể chỉ trích Trung Quốc nhưng đó chỉ là “bề ngoài”. Mạng tin Đa chiều cho rằng thực chất vấn đề Biển Đông chỉ là “một công cụ” để Mỹ mặc cả với Trung Quốc.
Dư luận báo chí các nước cho rằng do Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng 9/2015, nên Trung Quốc không muốn căng thẳng với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, nước Mỹ cũng bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống 2016 để bầu ra một ê-kíp lãnh đạo mới thay thế Chính quyền Obama. Vì vậy, trên thực tế Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ tham gia đối thoại không thể cam kết nhiều hơn.
Ngoài ra, vấn đề Đài Loan và tình Đông Bắc Á thời gian tới lại trở thành thách thức đối với Trung Quốc. Dư luận cho rằng Đảng Dân Tiến do bà Thái Anh Văn cầm đầu chắc chắn sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2016. Từ trước tới nay, Đảng Dân tiến vốn là một đảng chống Trung Quốc mạnh mẽ và luôn chủ trương Đài Loan độc lập. Vì vậy, trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ phải tập trung đối phó với vấn đề Đài Loan hơn là vấn đề Biển Đông.
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)