Các chuyên gia nhận xét, quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông, trái ngược với những gì chính quyền Mỹ phát biểu thì Trung Quốc có vẻ muốn nghe theo một kiểu khác.
“Không được nhầm lẫn: Máy bay và tàu thuyền của Mỹ vẫn sẽ di chuyển trên vùng trời, vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5 vừa qua. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ điều máy bay do thám P-8A Poseidon tuần tra trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trước đó, Tổng thống Barack Obama yêu cầu Trung Quốc không có các hành vi gây hấn, lựa chọn cách tiếp cận giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp và các cơ chế quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực.
Thế nhưng, Trung Quốc không coi những phát biểu và hành động trên của Mỹ là vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế. Thay vào đó, Bắc Kinh cho rằng mục đích chính của Washington là ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cách giải nghĩa này gây ra nhiều hệ lụy có thể cuốn các bên liên quan vào vòng xoáy đối đầu.
|
Hoạt động xây "đảo nhân tạo" trái phép của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc có trách nhiệm trong việc duy trì giao thương rộng mở toàn cầu – một nguyên tắc thông thường mà nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc rất nhiều. Bắc Kinh cũng sẽ không bằng mọi cách cản trở tự do hàng hải nếu như cộng đồng quốc tế có được tiếng nói phản đối đủ sức nặng. Thế nhưng nếu đối trọng đó chỉ giới hạn trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì điều này có thể đẩy khu vực vào chò trơi bên được – bên mất mà đi kèm đó là mức độ gia tăng căng thẳng.
Trở ngại chính yếu hiện nằm ở chỗ nghi ngờ của Bắc Kinh đối với Washington đã ăn quá sâu mà các nỗ lực giải tỏa hiện là chưa đủ. Trung Quốc luôn xem chính sách của Mỹ là nhằm kiềm chế mình, và luồng dư luận này phổ biến rộng rãi trong xã hội Trung Quốc cũng như giới nghiên cứu nước này. Từ đây, Bắc Kinh luôn cho rằng, hành động của Mỹ ở Biển Đông là cách để gây bất ổn, trợ giúp đồng minh của Mỹ, mở rộng khu vực ảnh hưởng và cuối cùng là giới hạn sự nổi lên của Trung Quốc như là một cường quốc đứng đầu khu vực.
Cách nhìn nhận Washington đang khép chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc chỉ làm gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng cực đoan. Một số nhân vật trong quân đội nước này đã lên tiếng đề cập đến khả năng thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Quan điểm cứng rắn này theo trình tự sẽ lại gây ra những nghi ngại mới ở Washington, rằng Bắc Kinh không chỉ thách thức vị thế “người bảo trợ an ninh” của Mỹ tại khu vực, mà còn muốn bẻ cong các nguyên tắc và luật lệ vốn được xem là nền tảng của trật tự thế giới hiện nay. Từ đây, tiếng nói đòi phải có hành động cứng rắn hơn sẽ chiếm ưu thế trong chính giới Mỹ. Biển Đông khi đó sẽ trở thành chiến trường cho cuộc đấu Mỹ - Trung - một viễn cảnh mà tất cả các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đều e sợ.
Khi một bên “nói vào tai phải”, nhưng bên kia lại nghe “nghe bằng tai trái” thì đương nhiên cách giải thích của Trung Quốc đối với hoạt động xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông là mập mờ, thiếu cơ sở, không hề có tính thuyết phục, đại loại như: 1/ Nhiều khu vực khác như Thượng Hải, Hong Kong, Dubai đều có hoạt động bồi đắp, mở rộng lãnh thổ trên biển mà không gặp phải phản ứng gì; 2/ Xây “đảo nhân tạo” là vì “lợi ích chung” của khu vực, Trung Quốc sẽ “chia sẻ” những cơ sở này đối với các nước, trong các hoạt động cứu trợ, cứu nạn hàng hải, dự báo thời tiết; 3/ Luật pháp quốc tế không thể đóng vai trò giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, bởi lãnh hải được quyết định bởi “các diễn tiến lịch sử”, “chủ quyền của Trung Quốc là tiền định”, “không chịu sự ràng buộc của luật pháp quốc tế”; 4/ Trung Quốc làm vậy bởi có đủ sức mạnh để làm vậy…
Hôm 8/6, phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc do Thượng tướng Phan Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, dẫn đầu đã tới San Diego, bắt đầu chuyến thăm chính thức 6 ngày tại Mỹ, trọng tâm là cuộc gặp với Bộ trưởng Carter vào ngày 11/6. Đây là một phần trong nỗ lực nhiều năm qua nhằm xây dựng khung đối thoại thường xuyên giữa quân đội hai nước để giải tỏa những căng thẳng tiềm tàng, tránh những tính toán sai lầm. Biển Đông sẽ được đề cập trong các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, nhưng khác biệt sẽ khó có thể được thu hẹp nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động đơn phương khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.