Thổ Nhĩ Kỳ đe đọa Mỹ
Một phụ tá hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây đã bóng gió rằng lính biệt kích Mỹ ở Bắc Syria có thể trở thành mục tiêu của rocket Thổ Nhĩ Kỳ nếu còn tiếp tục hợp tác với các tay súng người Kurd trên chiến trường Syria, dọc theo biên giới.
|
Lính Mỹ ở miền bắc Syria có nguy cơ dính đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Toronto Star |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Cevick nói nếu người Kurd và người Mỹ tiếp tục hợp tác, “chúng tôi sẽ không xem xét thực tế là có xe thiết giáp của Mỹ… Bất thình lình một lúc nào đó, vài quả rocket có thể rơi trúng họ”.
Những bình luận của ông Ilnur Cevik, cố vấn chính trị cấp cao của ông Erdogan, được đưa ra cùng ngày diễn ra cuộc gặp giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn kế hoạch “vùng an toàn”, nhằm ngăn chặn bạo lực ở Syria. Hai tuần sau đó, ông Erdogan sẽ tới Washington để lần đầu gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo tạp chí Foreign Policy, những lời đe dọa úp mở từ Thổ Nhĩ Kỳ về việc sử dụng vũ lực với binh sĩ Mỹ - một đồng minh cùng thuộc NATO – cho thấy việc Mỹ can thiệp vào nội chiến Syria đã trở nên phức tạp và rủi ro như thế nào. Hành động can thiệp còn có thể làm mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỹ vốn đã rạn nứt từ vụ đảo chính bất thành năm 2016 ở Thỗ Nhĩ Kỳ thêm xấu đi.
Nhiều tuần qua, binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Lục quân Mỹ đã hiện diện đáng kể ở khu vực của người Kurd tại phía bắc Syria. Họ xuất hiện đầu tiên ở thị trấn Manbij vốn đang bị đe dọa bởi các tay súng Arab người Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Cuối tuần qua, xuất hiện ảnh chụp lính Mỹ lái xe qua thị trấn Qamishli, gần khu vực 18 dân quân người Kurd thiệt mạng trong các vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Mỹ hiện diện lực lượng ở Bắc Syria chính là lời “nhắc nhở” rất công khai rằng Mỹ ủng hộ người Kurd – thành phần chiếm đa số trong Lực lượng Dân chủ Syria. Lực lượng này là một tập hợp mạnh gồm 50.000 dân quân địa phương đang tiến về phía thành trì Raqqa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các tướng lĩnh Mỹ cho rằng người Kurd là lựa chọn quân sự khả thi duy nhất để đánh bại IS trên bộ ở Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bất an sâu sắc về mối quan hệ của Mỹ với tổ chức YPG của người Kurd tại Bắc Syria vì tổ chức này coi người Kurd là khủng bố.
Bức tranh ở Syria càng thêm rối rắm khi Nga cũng đưa lực lượng vào Bắc Syria và đã đạt được một số thỏa thuận với người Kurd. Động thái này của Nga cũng khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng.
Đại tá John Dorrian, phát ngôn viên liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria, cho biết lính Mỹ chỉ được triển khai vì “chúng tôi nghe thấy thông tin về các vụ đụng độ giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác quanh biên giới”. Các tướng lĩnh Mỹ muốn tự đánh giá các thông tin này để có thể quyết định bước tiếp theo phù hợp.
Nếu lời đe dọa bóng gió của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thật, cuộc đối đầu Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria xoay quanh người Kurd sẽ khiến tình hình trở nên nguy hiểm.
Vùng an toàn - Tham vọng của Nga
Ngày 2/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm về tình hình Syria, nhất trí hợp tác để tìm các biện pháp ổn định lệnh ngừng bắn và khiến cho lệnh ngừng bắn lâu dài, có thể quản lý.
|
Sau cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ở Sochi ngày 3/5, Tổng thống Putin kêu gọi thiết lập các “vùng an toàn” ở Syria. Ảnh: The Washington Post |
Sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi ngày 3/5, Tổng thống Putin nhấn mạnh tham vọng sâu xa hơn của Nga với Syria, kêu gọi thiết lập các “vùng an toàn”. Ông Putin cũng bàn về vấn đề này với ông Trump nhưng thông báo của Nhà Trắng sau cuộc điện đàm Trump-Putin không đề cập tới.
Bốn khu vực cụ thể ở Tây Syria sẽ trở thành vùng “cấm bay” và chỉ dành cho các hoạt động chống IS hoặc các nhóm liên quan tới al-Qaeda. Theo đề xuất, vùng an ninh sẽ được thiết lập ở tỉnh Idlib, phía Bắc thành phố Homs, đông Ghouta và phía nam Syria.
Các khu vực này được tạo ra nhằm ngăn chặn hai bên giao chiến ở Syria xung đột trực tiếp.
Đề xuất này không đi đến đâu tại đàm phán hòa bình ở Kazakhstan giữa phe đối lập ôn hòa Syria, chính phủ Syria, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện phe đối lập Syria đã bỏ khỏi đàm phán ngày 3/5 để phản đối chính phủ Syria và Iran.
Tuy nhiên, ngày 4/5, các bên tham gia đàm phán ở Kazakhstan đã thông qua biên bản ghi nhớ về bốn vùng an toàn nói trên. Các quốc gia đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn ở Syria là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký biên bản.
Ba nước cam kết thành lập một nhóm công tác để thực hiện dự án thiết lập vùng an toàn trong vòng 5 ngày sau khi ký. Nhóm này sẽ xác định ranh giới giải giáp vũ khí, khu vực căng thẳng và khu vực an ninh cũng như giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan tới quá trình thực hiện.
Quá trình chuẩn bị bản đồ về các khu vực căng thẳng và khu vực giảm leo thang căng thẳng sẽ hoàn tất vào ngày 22/5.
Việc thiết lập bốn vùng an toàn có thể được coi là một bước chuyển quan trọng ở Syria nhưng theo tạp chí Foreign Policy, không có nhiều dấu hiệu cho thấy thỏa thuận mới này sẽ có hiệu lực hơn các thỏa thuận ngừng bắn đã thất bại trước đây. Đặc biệt là khi không có biện pháp rõ ràng để ngăn thương vong cho dân thường.
Ông Charles Lister, thành viên cấp cao Viện Trung Đông ở Mỹ, nhận định: “Không có cơ sở thực sự để mọi người tin rằng thỏa thuận này sẽ bền vững. Đó chỉ là một thỏa thuận nữa dựa hoàn toàn vào niềm tin trong khi không tồn tại niềm tin giữa các lực lượng trên mặt đất tại Syria”.