Bầu cử tổng thống Pháp: Quá chênh lệch về đẳng cấp

Google News

(Kiến Thức) - Báo chí Pháp ngày 4/5 nhận định rằng vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 là một cuộc đấu quá chênh lệch về đẳng cấp.

Lần đầu tiên trong lịch sử nền “Cộng hòa đệ ngũ” của Pháp, một ứng cử viên lọt vào vòng hai chấp nhận tranh luận trực tiếp với ứng cử viên cực hữu trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Bau cu tong thong Phap: Qua chenh lech ve dang cap
Ứng viên Emmanuel Macron tỏ ra vượt trội về vấn đề kinh tế, sau nhiều năm làm việc trong chính phủ Pháp. Ảnh: Reuters
Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, với tỉ lệ ủng hộ thấp hơn nhiều theo các thăm dò dư luận, chọn phương cách tấn công nhắm vào đối thủ Emmanuel Macron, người được coi là nắm chắc vấn đề kinh tế, sau nhiều năm làm việc trong chính phủ Pháp.
Giới quan sát nghiêng về Emmanuel Macron. Tờ Libération thiên tả nhận xét: “Rõ ràng, (bà Le Pen) không ở cùng đẳng cấp. Nếu gạt qua một bên các nguy cơ gắn liền với dự án của ứng cử viên này hay những kỳ thị mà bà Le Pen áp đặt cho những người nhập cư, nếu chỉ đơn giản xem xét mức độ nắm vững hồ sơ, độ hợp lý của các tính toán tài chính, độ vững chắc của các đề nghị, tóm lại trong một từ, đó là chất lượng của các lập luận, thì có thể nói rằng ứng cử viên Marine Le Pen chỉ xứng đáng với một cuộc chơi ở hạng hai”.
Báo kinh tế Les Echos cũng thừa nhận rằng ông “Macron đã trả đũa hiệu quả trước các đòn tấn công của Le Pen”. Theo nhà bình luận Gregoire Poussielgue của Les Echos, ứng cử viên phong trào “Tiến bước !” đã thành công trong việc “kéo cuộc tranh luận về những vấn đề căn bản”, “ không bị rơi vào chiếc bẫy cãi vã mà đối thủ giương ra”. Ông Macron đã thành công trong việc đứng vững trên những vấn đề căn bản để “lên án tính chất rỗng tuếch trong cương lĩnh của đối thủ”.
Trong phần đầu của cuộc tranh luận về kinh tế, luật lao động, sức mua, ứng viên “Tiến bước!” đã tỏ ra vượt trội. Trong lúc Marine Le Pen không ngừng qui trách nhiệm cho đối thủ Marcon về kết quả của nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ mãn nhiệm mà ông từng tham gia một thời gian, thì Macron đã lần lượt trình bày các sáng kiến chính trong cương lĩnh của mình, nhanh chóng đặt bà Le Pen vào tình thế khó xử, trước hết trong vấn đề hai tập đoàn SFR và Alstom, khi cáo buộc đối thủ đã lẫn lộn các hồ sơ này.
Cũng tương tự như trong các chủ đề như an ninh hay đồng euro, Emmanuel Macron liên tục ở thế thượng phong, sử dụng thời gian để trình bày rõ quan điểm và các đề xuất của ông, sửa lại những điểm không chính xác trong luận điểm của đối thủ “đôi khi tỏ ra giống với một giáo viên đang giảng bài”.
Báo Les Echos nhấn mạnh điều quan trọng là Macron đã trụ vững trong các vấn đề căn bản, không để bị lôi vào những chuyện vụn vặt.
Báo Le Figaro nhận xét: “Bà Marine Le Pen đã rất mù mờ trong vấn đề nguồn ngân sách chi trả cho các cam kết tranh cử, và thậm chí trở nên rất kỳ quặc khi nói về dự án đưa nước Pháp từ bỏ đồng euro, trở lại với đồng franc, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đồng euro trong một số giao dịch. Dự án rời euro bị tất cả những người có tiền gửi tiết kiệm, người về hưu, giới doanh nhân, nhỏ, lớn hay vừa, coi là một sự điên rồ. Và trong buổi tranh luận hôm qua, chính Marine Le Pen cũng tỏ ra không tin tưởng vào điều này. Về vấn đề này, Emmanuel Macron đã không quá khó khăn để chứng tỏ ưu thế của lý trí”.
Về cuộc bỏ phiếu tổng thống Pháp vòng hai vào ngày 7/5 tới, báo Le Monde nhấn mạnh tỷ lệ ủng hộ thực sự, hay nói cách khác là “chỉ số tình yêu”, dành cho hai ứng cử viên vào chung kết là hết sức thấp.
Một nửa số cử tri bầu cho hai ứng cử viên Emmanuel Macron Marcon và Marine Le Pen là ở trong thế phải buộc phải chọn, vì không còn ai khả dĩ hơn.
Cụ thể là, trong số những người từng bầu cho lãnh đạo phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon ở vòng một, 48% dự định sẽ bầu cho ông Macron trong vòng hai. Nhưng có đến hơn 90% trong số những người này sẽ bỏ phiếu theo kiểu miễn cưỡng, bỏ phiếu chỉ để chống lại lãnh đạo cực hữu mà có đến 59% người Pháp rất ghét.
Le Figaro cảnh báo bất kể ai đắc cử tổng thống Pháp, người đó cũng cần phải tính đến thái độ của gần một nửa dân Pháp (gồm những người cực hữu và cực tả) đã trở nên oán hận, sau bao nhiêu thất bại của nhiều đời chính phủ”.
Minh Châu (BT)

>> xem thêm

Bình luận(0)