Vào ngày 18/4, lần đầu tiên Không quân Mỹ đã dùng “pháo đài bay” B-52 ném bom phiến quân IS. Trong cuộc ném bom ở Qayyarah, Iraq, các máy bay B-52 đã ném bom các tòa nhà bằng bom dẫn đường bằng tia laser hoặc GPS.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-52 được triển khai ở Qatar và đã tiến hành không kích các mục tiêu của phiến quân IS ở Iraq. Ảnh EPA |
Chỉ có điều, mặc dù là biểu tượng của sức mạnh quân sự của Mỹ, các “pháo đài bay” B-52 có thể không phải là công cụ phương tiện tốt nhất để ném bom phiến quân IS. Khi Boeing chuyển giao chiếc B-52 cuối cùng cách đây hơn nửa thế kỷ, loại máy bay ném bom chiến lược này được dự kiến để tiêu diệt căn cứ quân sự kiên cố của Liên Xô và các thành phố bằng bom nguyên tử, chứ không phải ném vài quả bom thông thường đơn lẻ chống lại các phần tử khủng bố ở Trung Đông.
Loại máy bay ném bom chiến lược B-52 đi vào phục vụ từ năm 1955 và liên tục được nâng cấp. Một chiếc B-52 có thể mang theo 35 tấn bom và tên lửa.
“Pháo đài bay” B-52 được thay thế loại máy bay ném bom chiến lược B-1 “Bones” đã hoạt động ở Iraq và Syria kể từ tháng 8/2014. Theo Không quân Mỹ, tuy các máy bay B-1 chỉ tiến hành có 7% tổng số phi vụ của máy bay có người lái kể từ khi chiến dịch ném bom bắt đầu, nhưng số bom của nó chiếm tới 40% tổng số bom đạn đã ném xuống Iraq và Syria.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đại tá Warren tuyên bố: "B-52 có thể thay thế B-1. B-52 sẽ tiến hành các cuộc tấn công chính xác giống như những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong 20 tháng qua ở chiến trường này (Iraq và Syria)”.
Trước khi đưa “pháo đài bay” B-52 đến Qatar, Không quân Mỹ đã sử dụng các loại chiến đấu cơ như F-15E Strike Eagle, F-16C, máy bay tàng hình F-22 Raptor, máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog và nhiều máy bay không người lái (UAV) trong khu vực.
Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã sử dụng các lịa máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet và AV-8 Harrier. Các đối tác trong liên minh là Pháp và Anh còn bổ sung các loại chiến đấu cơ mà hai nước này có trong tay.
Phần lớn những chiếc chiến đấu cơ kể trên đều có thể mang loại bom mà “pháo đài bay” B-52 ném xuống Qayyarah. Tất nhiên, các máy bay nói trên không thể mang nhiều vũ khí và quần đảo nhiều giờ như máy bay ném chiến lược B-52, trong mỗi phi vụ.
Xét về chi phí, Không quân Mỹ tiêu tốn khoảng 70.000 USD cho mỗi giờ bay của B-52, trong khi con số này ở máy bay B-1 là 60.000 USD/giờ. Chi phí cho F-16 là 20.000/giờ, còn cho loại máy bay tấn công mặt đất A-10 Warthog còn thấp hơn nhiều.
Như vậy, chi phí cho mỗi giờ bay của B-52 cao gấp hơn 3 lần chi phí cho F-16 và A-10 Warthog. Trong một video do Lầu Năm Góc công bố về cuộc không kích ở Qayyarah, chỉ thấy B-52 ném 4 hoặc 5 quả bom đơn lẻ được ném xuống nhiều tòa nhà khác nhau của một kho vũ khí thuộc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Đó là chưa kể chi phí liên quan đến sửa chữa và nhiên liệu của B-52 cũng khá bất lợi. Không giống như nhiều máy bay chiến đấu phản lực nhỏ vẫn đang được sản xuất, đội máy bay B-52 già đòi hỏi nhiều chi phí phát sinh về sửa chữa và hậu cần.
|
Máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt II có chi phí vận hành bằng chưa đầy 1/3 “pháo đài bay” B-52. Ảnh military.com |
Khi động cơ bị trục trặc ở Iraq vào ngày 9/4/2015, một máy bay của A-10 Warthog phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ không quân Al Asad. Năm ngày sau, một đội sửa chữa đã lắp một động cơ mới cho chiếc A-10 nói trên và nó lại ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Không giống như A-10, việc thay thế một trong 8 động cơ của B-52 tiêu tốn 1,5 triệu USD và thời gian thay thế không chỉ có 5 ngày.
Không những thế, những chiếc B-52 già nua từng gặp phải các vấn đề khác sau nhiều thập kỷ sử dụng. Hồi tháng 1/2014, một chiếc B-52H đã bị hỏng nặng, sau khi hệ thống điện cũ trong buồng lái bị bốc cháy. Không quân Mỹ quyết định thải loại chiếc máy bay ném bom chiến lược này vì chi phí sửa quá cao, ước tính lên tới 13 triệu USD.
Thậm chí, việc nâng cấp các “pháo đài bay” B-52 để chúng theo kịp thời đại đang trở nên ngày càng khó khăn vì các khoang chứa bom của chúng được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình. Để sử dụng các loại bom thông thường, người ta phải cải tạo các khoang chứa vũ khí này hoặc phải dùng các giá treo cồng kềnh ở bên ngoài.
Tất cả vấn đề nêu trên có thể giúp giải thích tại sao Không quân Mỹ âm thầm đưa các “pháo đài bay” B-52 đến. Hồi tháng 1/2016, khi loại máy bay ném bom chiến lược B-1 rút khỏi chiến trường Iraq và Syria, Không quân Mỹ khẳng định không có kế hoạch để triển khai các “pháo đài bay” B-52 để đánh cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Nói tóm lại, thế mạnh của B-52 nằm trong việc ngăn chặn Trung Quốc, Nga và Iran, nhưng việc lượn lòng vòng trên không phận Iraq chỉ để ném bom một vài tòa nhà thì chẳng khác gì “giết gà dùng dao mổ trâu”: vừa tốn kém, vừa không có hiệu quả.