Nhà ngoại giao Bernd Wulffen từng giữ chức đại sứ CHLB Đức tại Cuba trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2005.
Cựu đại sứ Đức tại Cuba Bernd Wulffen cho rằng một quá trình chuyển đổi có trật tự đang diễn ra ở Cuba và La Habana có cơ chế bảo đảm quyền lực. Các sĩ quan quân đội đang nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo ở Cuba. Phó Chủ tịch thứ nhất, Miguel Diaz-Canel vốn là một chuyên gia tuyên huấn trong Các lực lượng vũ trang. Cựu đại tá Marino Murillo hiện chịu trách nhiệm về kinh tế và đại tá Alejandro Castro (con trai của Chủ tịch Raul Castro) giữ một chức vụ rất quan trọng, điều phối cơ quan tình báo.
|
Chủ tịch Raul Castro và Phó Chủ tịch thứ nhất mới được bầu Miguel Diaz Canel tại lễ bế mạc Đại hội ĐCS Cuba. Ảnh Public Radio International |
Trên danh nghĩa, Cuba vẫn sẽ duy trì nền kinh tế kế hoạch tập trung, trong khi ban lãnh đạo đã nhận ra rằng không thể bỏ qua vai trò của khu vực kinh tế tư nhân vì kinh tế nhà nước không thể tạo ra đủ việc làm. Tuy được gọi là “mô hình Cuba”, nhưng xem ra đường lối kinh tế này chịu ảnh hưởng của mô hình phát triển của Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù ban lãnh đạo Cuba không công khai thừa nhận kinh tế thị trường.
Về những thay đổi ở thượng tầng kiến trúc, cựu đại sứ Bernd Wulffen nói thế hệ lãnh đạo cách mạng lão thành như Fidel Castro và Raul Castro sẽ nhường chỗ cho một thế hệ lãnh đạo mới, trong số này hầu hết ở độ tuổi 50.
Theo cựu đại sứ Bernd Wulffen, phần lớn nhân dân Cuba muốn mở cửa - đặc biệt về kinh tế. Thu nhập của người dân hiện nay là quá ít, không tương xứng với công sức bỏ ra. Một bộ phận những người về hưu sống dưới mức nghèo khổ, mặc dù tiền thuê nhà và thực phẩm khá rẻ. Người dân Cuba muốn có một cuộc sống sung túc hơn, mua được xe máy hoặc ô tô và thoải mái sử dụng internet.
Chỉ có điều, người dân Cuba luôn tự hào về cách mạng vì đã khôi phục chủ quyền của đất nước và lòng tự tôn dân tộc. Dưới thời Tổng thống độc tài Fulgencio Batista (bị lực lượng cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo lật đổ năm 1958), Cuba vốn là thuộc địa của Mỹ. Cách mạng đã mang lại nền độc lập hoàn toàn cho đất nước Cuba và người dân ở đây vẫn tự hào rằng họ có một cái gì đó của riêng mình.
Theo cựu đại sứ Đức tại Cuba, điều quan trọng đối với nhân dân Cuba là duy trì nền độc lập trong tương lai. Cuba không bao giờ muốn một lần nữa lệ thuộc vào Mỹ hoặc bất cứ thế lực nào khác. Người Cuba yêu nước và rất gắn bó với quê hương của họ. Những người ngoài cuộc không được quên điều này.