Hy vọng rằng tiên đoán của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein không trở thành hiện thực, nhưng ông Hussein rất có lý khi nhận xét rằng Biển Đông là “một con voi khổng lồ bị nhốt trong căn phòng hẹp” (và có nhiều thứ vô cùng quí giá).
|
Tình trạng đối đầu ở Biển Đông có thể "leo thang thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất” trong lịch sử. |
Trong khi đó, luật nhân-quả cũng phán rằng mọi hành động đều có hậu quả và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo nếu Trung Quốc "không dừng lại thì một trong những hậu quả sẽ là sự tẩy chay của các quốc gia có liên quan ở khu vực và trên thế giới”.
Ông Carter cho biết việc Trung Quốc tạo ra những "tiền đồn lớn" trên các rạn san hô ở Biển Đông có "qui mô và tốc độ gấp bội" so với các quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền Biển Đông khác.
Trung Quốc đã hút cát đắp đảo hơn 2.000 mẫu Anh, nhiều hơn tất cả các bên tranh chấp khác cộng lại trong toàn bộ lịch sử khu vực. Trung Quốc đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ như vậy chỉ trong vòng 18 tháng qua và hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ còn tiến xa đến mức nào. Đó là lý do vì sao Trung Quốc trở thành nguồn gốc gây căng thẳng trong khu vực và chiếm trang đầu của báo chí trên toàn thế giới.
Về phần mình, Mỹ quan ngại sâu sắc về tốc độ và qui mô lấn biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington cũng lo ngại việc Trung Quốc “quân sự hóa” các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái với “chuẩn mực quốc tế” cũng như nguy cơ của hoạt động xây dựng “đảo nhân tạo” ở Quần đảo Trường Sa làm tăng “tính toán sai lầm” hoặc xung đột giữa các quốc gia cùng có yêu sách chủ quyền.
Cùng với việc kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức và vĩnh viễn hoạt động hút cát đắp “đảo nhân tạo” trên các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter khẳng định quyết tâm sắt đá của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Ông Carter nói Mỹ sẽ đem máy bay, tàu chiến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ thực hiện các quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia. Suy cho cùng thì việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không bao giờ mang lại các quyền chủ quyền và được phép hạn chế tự do đi lại của hàng không, hàng hải quốc tế.
Bốn trong sáu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Carter sau bài phát biểu của ông có liên quan đến Trung Quốc và Biển Đông. Trong số này có: Tính hiệu quả của Mỹ ra sao, nếu Mỹ cứ tuyên bố quyết tâm còn Trung Quốc cứ xây dựng đảo nhân tạo? Làm thế nào để khu vực (Biển Đông) có thể đối phó với sự “khiêu khích cường độ thấp” của Trung Quốc? Mỹ sẽ phải điều chỉnh chiến lược đến mức nào để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, phái đoàn Trung Quốc tỏ ra khá tức giận. Sự tức giận này được thể hiện bằng lời. Đại tá kỳ cựu Zhou Xiaozhuo gọi những tuyên bố của ông Ashton Carter là "vô căn cứ và không mang tính xây dựng” và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là "hợp pháp, thỏa đáng và hợp lý” (?).
Trong các trò được chơi tại các kỳ Đối thoại Shangri-La, người Trung Quốc thường dùng một quan chức cấp thấp để nói lên quan điểm chính thức của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Rời Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Việt Nam để ký một Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó hai bên cam kết hợp tác thiết thực hơn nữa. Sau đó, ông Carter bay sang Ấn Độ ký Thỏa thuận khung quốc phòng Mỹ-Ấn Độ, làm kim chỉ nam cho " hợp tác quân sự song phương trong thập kỷ tiếp theo”.
Giai đoạn “tái cân bằng” tiếp theo của Mỹ là sẽ làm sâu sắc thêm các mối liên minh và quan hệ đối tác lâu đời, đa dạng hóa việc triển khai lực lượng và đầu tư mới nâng cao sức mạnh chiến đấu.
Bộ trưởng Carter cũng thông báo Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á, nơi dự kiến sẽ chi tới 425 triệu USD để xây dựng năng lực hàng hải.
An ninh hàng hải chắc chắn sẽ khắc sâu trong tâm trí của người Châu Á, giống như câu chuyện Trung Quốc biến đổi rạn san hô thành sân bay lớn ở Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.