Đó là lời cảnh báo của Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia.
Hội nghị An ninh Châu Á-Thái Bình Dương (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) hàng năm đã khai mạc tối 29/5 tại Singapore, với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và tướng lĩnh quân đội đến từ 26 quốc gia trong khu vực giữa lúc tình hình tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng.
|
Giáo sư Carl Thayer: Đối thoại Shangri-La lần này sẽ trở thành một diễn đàn đấu khẩu quyết liệt về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
|
Giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng diễn đàn an ninh khu vực lần này sẽ trở thành một diễn đàn đấu khẩu quyết liệt xoay quanh các hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, một trận
khẩu chiến không khoan nhượng giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực, bất kể có tranh chấp Biển Đông hay không.
Giáo sư Thayer cảnh báo: “Trung Quốc sẽ trở thành trọng tâm tại Đối thoại Shangri-La. Phái đoàn quan chức Trung Quốc sẽ phản pháo sau mỗi phần phát biểu của các nước, yêu cầu các nước lắng nghe quan điểm của mình, đưa ra những tố cáo ngược lại, tìm cách đảo ngược tình thế rằng Hoa Kỳ mới chính là thủ phạm khiêu khích bất ổn, là nguyên nhân của mọi vấn đề, và rằng Trung Quốc chỉ có khẳng định chủ quyền mà thôi. Sẽ nảy ra cuộc chiến thông tin tại Đối thoại Shangri-La lần này”.
Thượng đỉnh an ninh Châu Á-Thái Bình Dương 2015 cuốn sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế kể cả từ Châu Âu, với các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha, và Đức đều xác nhận sẽ tham gia.
Năm nay,Trung Quốc cử Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), dẫn đầu một phái đoàn 29 thành viên tham dự Đối thoại Shangri-La.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc hiểu rõ tranh cãi Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong Đối thoại Shangri-La lần này. Đây cũng là tín hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã sẵn sàng đối đầu với các chỉ trích từ quốc tế liên quan tới các sách lược gây hấn ở Biển Đông.
Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Tiến sĩ Huxley cho hay chủ đề chính của các buổi họp sẽ tập trung vào chiến lược an ninh của các cường quốc chính, việc kiểm soát không để căng thẳng leo thang, giải pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực hơn, các hình thức hợp tác an ninh mới, xây dựng các liện hệ an ninh với các khu vực khác.
Wall Street Journal dẫn các nguồn tin ngoại giao nói Trưởng phái đoàn Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ đảm bảo duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Dự kiến trong bài phát biểu hôm nay (30/5) tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ tái xác định lập trường cứng rắn của Mỹ phản đối mọi hoạt động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, ông Carter đã khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bất chấp các âm mưu hạn chế quyền tự do hàng hải từ Bắc Kinh tại các khu vực bao quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây, sẽ tiếp tục hoạt động, cho máy bay-tàu bè đi ngang qua các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.
Phát biểu trước thềm Shangri-La, ông Carter nói Mỹ phản đối các hành động quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và yêu cầu các nước ngưng xây cất, thay đổi nguyên trạng Biển Đông.
Theo tường thuật của Wall Street Journal, ông Carter cũng đã chỉ thị cấp dưới lên các kế hoạch điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa để thể hiện quyết tâm của Mỹ.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Mỹ chớ có phát ngôn hay hành động khiêu khích. Tại cuộc họp báo thường kỳ 29/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói quy mô và tốc độ các công trình xây dựng đang được tiến hành ở Biển Đông tương xứng với nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong tư cách một nước lớn.
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước giảm căng thẳng trên Biển Đông và Mỹ-Trung “nên cạnh tranh trong hòa bình”. |
Trong diễn văn khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tối 29/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước giảm căng thẳng trên Biển Đông và Mỹ-Trung “nên cạnh tranh trong hòa bình”.
BBC dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố rằng Thái Bình Dương “đủ lớn” cho hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, nhưng không nên bị chia thành hai vùng ảnh hưởng. Ông nói: “Có không gian tại Châu Á-Thái Bình Dương cho hai đại cường (Mỹ và Trung Quốc) can dự và cạnh tranh trong hòa bình, giải quyết vấn đề trong xây dựng”.