Nguy cơ lớn nhất của chính quyền Syria là liên minh thánh chiến do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - với Mặt trận al-Nursa có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda làm rường cột - và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Sau khi chiếm được thành phố chiến lược Palmyra, phiến quân IS đã kiểm soát hơn 50% lãnh thổ Syria.
|
Chính phủ của Tổng thống Assad lâm vào tình trạng "bốn bề có địch”.
|
Chiếm được thủ phủ tỉnh Idlib và các thành phố chiến lược quan trọng như Jisr al-Shughour, liên minh thánh chiến do Mặt trận al-Nursa cầm đầu có thể tiến đánh tỉnh Hama ở phía nam và tỉnh Latakia ở phía tây. Lực lượng này đã cắt đứt đường cao tốc Aleppo-Latakia.
Những nỗ lực của quân chính phủ Syria nhằm giành lại Deraa, gần biên giới với Jordan, để kiểm soát thành phố Aleppo đã thất bại. Với sự hậu thuẫn của Hezbollah, quân chính phủ Syria hiện đang tiến hành cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực miền núi Qalamoun trải dài dọc biên giới với Lebanon ở phía tây thủ đô Damascus. Quân chính phủ cũng đang cố tái chiếm Jisr al-Shughour và tiến hành một cuộc tấn công lớn để loại bỏ lực lượng phiến quân ở khu vực Ghouta tiếp giáp Damascus.
Nhưng do thiếu chiến lược linh hoạt, việc bố trí lại lực lượng của quân chính phủ Syria lại làm suy yếu lực lượng ở những nơi khác. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS đã nắm lấy cơ hội này để đánh chiếm các vị trí còn lại của quân chính phủ ở Deir ez-Zour và thành phố chiến lược Palmyra.
Kết quả của các trận đánh tái chiếm Jisr al-Shughur và khu vực Qalamoun sẽ cho thấy sức mạnh quân sự của chính phủ Syria ở những khu vực có giá trị chiến lược cao.
Ở những nơi khác, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, sức mạnh quân sự của chính phủ Syria giảm đến mức khó có thể dàn trải để kiểm soát lãnh thổ trong tương lai gần.
Ngay cả những khu vực chiến lược cốt lõi của chế độ cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng, mặc dù quân đội Syria chiếm ưu thế độc quyền về không quân. Thế nhưng, ưu thế này có thể bị xói mòn, nếu quân đội Syria mất quyền kiểm soát căn cứ không quân Hama cũng như các tuyến đường bộ đến Aleppo từ phía nam.
Nguy cơ “tứ bề thọ địch” của chính phủ Syria có thể được giảm nhẹ bởi nhiều yếu tố. Đó là xung đột giữa phiến quân IS và Mặt trận al-Nusra, giữa lúc quân chính phủ và Hezbollah đang tấn công Qalamoun. Những thế lực bên ngoài ủng hộ các lực lượng phiến quân khác nhau đang kình chống nhau, tranh giành ảnh hưởng ở Syria. Ả-rập Xê-út có thể bị sa lầy trong cuộc chiến ở Yemen. Iran và Nga có lợi ích chiến lược liên quan đến chế độ Assad (mặc dù không phải vì cá nhân Tổng thống Assad) và sẽ không dễ dàng từ bỏ Syria.
Tính đến tất cả những yếu tố, chính phủ Syria hiện đang phải đứng trước nhiều thách thức và lựa chọn đau đớn. Chính phủ Syria ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì sức chiến đấu của đội quân thường trực. Sức mạnh quân sự của Syria ngày càng phụ thuộc vào Phong trào Hezbollah ở Libăng. Một trong những lý do quân chính phủ Syria để mất Idlib và Jisr al-Shughour là không có sự tham chiến của các lực lượng Hezbollah. Chính phủ ở Damascus cũng đang phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ tài chính của Iran.
Hiện có dấu hiệu cho thấy có sự rạn nứt trong ban lãnh đạo Syria.
Ở cấp độ chiến lược, chính phủ Syria buộc phải lựa chọn hoặc duy trì hiện diện quân sự dàn trải khắp đất nước (và dễ bị tổn thương) hoặc tập trung lực lượng bảo vệ Damascus và những vùng lân cận, các tuyến đường đi qua thành phố Homs đến bờ biển Địa Trung Hải, thành trì Alawite của Tổng thống Assad.
Việc rút quân về phòng thủ xung quanh Damascus và khu vực sinh sống chủ yếu của người Alawite là một chiến lược đầy rẫy rủi ro. Nó báo hiệu rằng lực lượng ủng hộ chế độ Assad ở những nơi khác trên lãnh thổ Syria đang bị bỏ rơi. Trái với năm 2011, quyền chủ động trên chiến trường hiện không còn nằm trong tay Damascus.
Chế độ của Tổng thống Assad buộc phải lui về phòng thủ và sẽ phải tìm cách chiến đấu trong một chiến trường hẹp hơn.
Hãy còn quá sớm để dự đoán sự sụp đổ của chế độ Assad. Chế độ này có thể sẽ còn cầm cự đủ lâu cho đến khi các đối thủ bị mất đà chiến thắng hoặc quay súng bắn lẫn nhau để tranh giành chiến quả. Có một điều rõ ràng là chính phủ Syria hiện đang bị suy yếu hơn bao giờ hết và có nguy cơ bị đổ vỡ từ bên trong. Chính phủ này vẫn tìm cách tồn tại trong hoàn cảnh “tứ bề thọ địch” hiện nay.