Đằng sau vụ xả súng giết cố vấn Mỹ ở Jordan

Google News

(Kiến Thức) - Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Netanyahu, phiến quân IS đã thực hiện một vụ xả súng  đẫm máu ở Jordan, làm chết và bị thương bốn cố vấn Mỹ.

Sau khi tuyên bố bắn hạ máy bay chở khách của Nga cất cánh từ Sharm El-Sheikh ngày 31/10 gây ra cái chết của tất cả 224 hành khách và phi hành đoàn, tổ chức khủng bố IS ngày 9/11 lại nhắm mục tiêu vào Mỹ.
Dang sau vu xa sung giet co van My o Jordan
Cố vấn Mỹ bị thương trong vụ xả súng ngày 9/11 ở Jordan. 
Một đại úy quân đội Jordan đã xả súng trong nhà ăn của Trung tâm đào tạo đặc nhiệm ở bên ngoài thủ đô Amman, nơi giảng viên Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq chống IS. Hai giảng viên người Mỹ, một công dân Nam Phi và hai công dân Jordan đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương. Trong số sáu người bị thương, có hai người Mỹ và bốn công dân  Jordan.
Kẻ xả súng này sau đó đã bị quân đội Jordan tiêu diệt.
Cung cách xả súng ở Jordan khá giống với các vụ “quân ta bắn quân mình” ở Afghanistan, nơi  tổ chức khủng bố al-Qaeda và Taliban ráo riết cài người vào lực lượng an ninh để đánh Mỹ từ bên trong.
Báo Al-Rai của Jordan xác định kẻ xả súng là Anwar Abu Ubayd, trong khi các hãng tin khác lại nói là Anwar Abu Zaid.
Nếu vụ làm rơi máy bay Nga đã làm rung chuyển chế độ của Tổng thống Ai Cập Fattah El-Sisi, không có nghi ngờ nữa, vụ xả súng ngày 9/10 đang làm chao đảo ngôi vị của Quốc vương Abdullah ở Jordan.
Các cuộc tấn công khủng bố nói trên cũng cho thấy phiến quân IS đã tiếp cận biên giới Israel- Syria ở phía bắc, Ai Cập ở phía nam và Jordan ở phía đông. Cuộc tấn công này đã gây ra sự chú ý đặc biệt vì nó được thực hiện chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.
Cho đến nay, Jordan chính là căn cứ tiền tiêu quan trọng nhất mà Mỹ sử dụng để tiến hành cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Tuy Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành chiến dịch không kích IS, nhưng Lầu Năm Góc có hơn 10.000 bộ binh và lính đặc nhiệm hiện diện ở Jordan. Jordan cũng đóng vai trò một trung tâm huấn luyện, tác chiến và trung tâm hậu cần cho các chiến dịch của của Mỹ ở Iraq và Syria. Đó là chưa kể Sở chỉ huy tiền tiêu của Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) được đặt ở ngoại ô thủ đô Amman.
Cho đến nay, phiến quân IS chưa xâm nhập vào Jordan để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm làm rung chuyển Vương triều Abdullah. Trước khi xảy ra vụ xả súng, các lực lượng an ninh và tình báo Jordan đã ngăn chặn thành công các phần tử khủng bố IS.
Hai vụ đánh bom và xả súng gần đây cho thấy mức độ nguy hiểm của tổ chức khủng bố IS và những kẻ theo đuôi chúng. Ngay sau vụ xả súng ngày 9/11, quân đội Jordan đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ trên phạm vi toàn quốc và dọc theo các đường biên giới của nước này. Mỹ, Nga, Ai Cập, Jordan và Israel đều đề cao cảnh giác, khi các mối đe dọa của IS tiếp tục phát triển.
Chỉ có điều, các cơ quan an ninh và tình báo không thể nào dự đoán được đâu là mục tiêu tấn công tiếp theo của những kẻ khủng bố Hồi giáo.
Minh Châu (Theo Debkafile)

Bình luận(0)