Vay tiền qua app: Muôn kiểu hành người vay khốn khổ

Google News

(Kiến Thức) - Nếu hết thời hạn vay tiền qua app online, người vay không trả được nợ họ sẽ phải khốn khổ đối mặt với muôn kiểu gây sức ép từ phía nhân viên của aap, có những người vì không chịu nổi những áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát.

Tiền phạt tăng theo cấp số nhân
Dư luận mới đây đặc biệt chú ý thông tin về hoạt động vay tiền qua aap điện thoại đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập đến tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 3/11.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy miêu tả hoạt động cho vay tiền trực tuyến “biến những con nợ nhỏ thành con nợ lớn". Đặc điểm của loại hình này là thủ tục đơn giản, nhanh gọn, người vay có thể chụp gửi giấy tờ cá nhân sau đó quy trình cho vay sẽ được triển khai rất nhanh.
Người vay phải chấp thuận điều kiện cho các app này truy cập danh bạ điện thoại. "Nếu chấp thuận các điều kiện này, chỉ sau 10 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản người vay”, - đại biểu Thủy nêu.
Vay tien qua app: Muon kieu hanh nguoi vay khon kho
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. 
Hệ lụy của việc này là những người ẩn sau ứng dụng này sẽ có được toàn bộ số điện thoại, Zalo, Facebook của người thân, đồng nghiệp, bạn bè người vay để sử dụng cho các mục đích sau này.
Về việc cho vay, thực tế số tiền cho vay nhỏ và thời gian cho vay ngắn khoảng một tuần. Tuy nhiên, người vay chỉ nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng vay, 1/3 còn lại người vay giữ để trừ vào tiền lãi và tiền phí các loại dịch vụ.
Hết một tuần, nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên của app sẽ tiếp tục giới thiệu các app mới để người vay tiếp tục vay để trả cho app trước. Thực tế, có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ là vài triệu đồng.
“Có những nạn nhân ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng của 2 app và khi đến hạn không có tiền trả thì nhân viên của app giới thiệu để vay ở app khác để trả nợ. Đến nay, sau 3 tháng từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng đến nay đã phải vay hơn 200 triệu đồng để trả nợ. Từ chỗ chỉ vay của 2 app, đến nay đã phải vay của 64 app với số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hằng ngày"- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu.
Đòi nợ tàn khốc, hành người vay khổ sở
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, cách đòi nợ của nhân viên các app là khủng bố tinh thần người vay, ban đầu nhân viên sử dụng những lời lẽ thô tục, độc ác, liên tục gọi điện cho người vay và gia đình của họ và không những thế còn gọi điện cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại để bêu riếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ.
"Có những nạn nhân đã tâm sự chỉ vì trót vay tiền mà bị khủng bố điện thoại suốt ngày đêm, có những người đã bị khủng bố bởi hơn 200 số điện thoại khác nhau. Các đối tượng còn dùng mạng xã hội để "tấn công" người vay tiền bằng cách cắt ghép hình ảnh của người vay và gia đình với hình ảnh gái mại dâm hoặc các đối tượng phạm tội để làm nhục họ”, - đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Vay tien qua app: Muon kieu hanh nguoi vay khon kho-Hinh-2
Các tin nhắn đối tượng cho vay dọa nạt con nợ để đòi tiền. (Ảnh: Tiền Phong).
"Thậm chí là có những cháu nhỏ là con cái của người vay, chúng cũng không tha khiến cho các cháu xấu hổ không dám tới trường. Có những trường hợp cha đi vay tiền nhưng con bị lập bàn thờ đưa lên mạng xã hội, có những người vì không chịu nổi những áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát, như các trường hợp ở Kiên Giang, Tiền Giang"- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Biến tướng tín dụng đen
Vay tiền qua app online, thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, khách vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay chỉ dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để “rải tiền”.
Ghi nhận của PV cho thấy, trên Facebook, Zalo, Google hiện nay có nhan nhản các aap vay tiền online. Người dùng khi gõ từ khóa “app cho vay tiền” trên Google, chỉ trong khoảng 0,63 giây sẽ cho ra khoảng 35.700.000 kết quả.
Những app vay chủ yếu hiện nay phải kể đến như: Robocash, Money Cat, MBBank, Senmo, Tamo, One Click Money, Vamo, Cash24, Finizi, Vdong, Doctor Đồng, Uvay, Ví Tò Mò,…
Vay tien qua app: Muon kieu hanh nguoi vay khon kho-Hinh-3
App vay tiền online thực chất là tín dụng đen biến tướng. 
Hầu hết các app trên đều nhắm vào các đối tượng khách hàng ở độ tuổi từ 22-60 trên toàn quốc. Khi khách vay được tiền những tưởng “sung sướng”, tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc vay tiền qua các app online thực chất là một hình thức mới của tín dụng đen được đánh giá là nguy hiểm hơn cả tín dụng đen thông thường.
Theo Bộ Công an, khi vay tiền qua app, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên Công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.
Bộ Công an cũng cho biết, tội phạm tín dụng đen nằm trong "tầm ngắm" của các cơ quan Công an, chiếm tới 22,6% trong nhóm các tội phạm nên phải làm đấu tranh rất mạnh. Bộ Công an đã có cảnh báo với người dân.
Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau:
Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Tại Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tại Khoản 3 Điều 201, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)