Phó Thống đốc cho biết thêm, tháng 3/2018, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị và truyền thông rộng rãi để giúp bà con nhận diện thực chất tín dụng đen, từ đó phòng chống tín dụng đen và biết cách tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức từ ngân hàng với mức lãi suất phù hợp.
Đến nay, tình hình tín dụng đen giảm tích cực, tỷ lệ người dân sử dụng nguồn vốn tín dụng đen trước đây nếu là 100% thì giờ là 40%.
Hiện nay, trên thực tế tín dụng đen đang núp bóng công ty tài chính để đánh lừa người dân cho vay với lãi suất cao. Còn các công ty tài chính hay các TCTD được cấp phép thì hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, dưới sự kiểm tra, giám sát của NHNN.
|
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú |
Về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thống đốc thường trực cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có những chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Tiếp theo đó, ngay trong tháng 01/2020, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có giải pháp hướng đến phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn.
Đặc biệt, Phó Thống đốc nhấn mạnh, hiện nay chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà không cần có nhiều máy ATM.
NHNN đang nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), hướng đến đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo với hình thức chuyển tiền đơn giản, chỉ cần có điện thoại thông minh là đã có thể thanh toán, chuyển tiền.
Với mong muốn của người dân sớm có giải pháp ưu tiên như giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn và cho vay toàn bộ phí mua bảo hiểm, Phó Thống đốc cho biết, đặc thù của sản xuất nông nghiệp là thường xuyên gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa.
Vì vậy, Nghị định 55 đã quy định chính sách khuyến khích người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, đối với đề nghị coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn, việc mua bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết nhưng NHNN không có cơ sở để quy định hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho TCTD và khách hàng được chủ động thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu, điều kiện tài chính và khả năng mua bảo hiểm của từng khách hàng.