Những ngày qua, thông tin Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) có văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn phản ánh về những vướng mắc chậm được tháo gỡ tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng như vấn đề đầu tư của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Thông tin trên Vietnamfinance, liên quan đến đầu tư dự án, HHV mới đây cũng đã tuyên bố sẽ dừng việc tham gia đầu tư dự án và báo cáo kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xem xét giải quyết.
Nói về ý định rút khỏi liên danh đầu tư xây dựng dự án, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT HHV, cho biết Chính phủ giao trình duyệt dự án từ tháng 1/2021. Đến tháng 3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn tham mưu phương án kéo dài thời gian thu phí lên gần 40 năm. Tháng 5/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã bác phương án này và trình lại một phương án khác, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt.
"Tình trạng này đã làm giảm sút niềm tin của ngân hàng cấp tín dụng, giảm sút tính khả thi thực hiện dự án, nhiệt huyết của nhà đầu tư như chúng tôi và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của vùng…”, ông Trần Văn Thế nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo HHV, những vướng mắc tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như giảm đi 1 trạm thu phí, miễn giảm cho gần 10.000 phương tiện… vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên doanh nghiệp phải tính đến phương án rút lui để dành sự tập trung cho những dự án khác.
|
Ảnh minh họa. |
Tìm hiểu của PV, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả, tiền thân là Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) được đổi tên và đăng ký kinh doanh chính thức từ ngày 30/7/2019.
Đèo Cả được biết đến là đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo cả, hầm đường bộ Cù Mông và quản lý vận hành nhiều trạm thu phí trên cả nước.
Ông Hồ Minh Hoàng sinh năm 1972, người được mệnh danh "ông vua đào hầm" tại Việt Nam hiện là Chủ tịch của Đèo Cả.
Ngoài ra, ông Hồ Minh Hoàng còn giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh Incons (mã HTN).
|
Ông Hồ Minh Hoàng, người được mệnh danh "ông vua đào hầm" tại Việt Nam. |
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, doanh thu của Đèo Cả tăng đột biến 1.202 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước chủ yếu nhờ doanh thu thu phí BOT. Trong cơ cấu doanh thu, mảng vận hành các trạm thu phí chiếm 77% tổng doanh thu với 938 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đèo Cả báo doanh thu thuần 793 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ 2020, chủ yếu nhờ nguồn thu từ các trạm thu phí. Lãi gộp đạt 446 tỷ đồng, tăng mạnh gần 47%, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 56,2%, so với mức 55,3% của cùng kỳ.
Chi phí tài chính (là chi phí lãi vay) ghi nhận 307 tỷ đồng, tăng 27,5%, còn chi phí quản lý không có nhiều biến động.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế 137,7 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ 123,4 tỷ đồng, gấp 5,43 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Với kết quả này, Đèo Cả hoàn thành 62% kế hoạch về doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản Đèo Cả tăng 464 tỷ đồng lên mức 32.880 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung ở tài sản dài hạn là các tài sản cố định hữu hình.
Bên cạnh đó, Đèo Cả ghi nhận 20.845 tỷ đồng vay nợ tài chính dài hạn chủ yếu tại VietinBank. Đây là các khoản vay dài hạn tài trợ cho các dự án BOT của HHV.