Ngày 25/10, Samsung bất ngờ thông báo sự ra đi của Chủ tịch Lee Kun Hee. Ông Lee là người dẫn dắt Samsung với vai trò Chủ tịch từ năm 1987 đến năm 2008, góp phần đưa tên tuổi gã khổng lồ điện tử trở thành tập đoàn xưng bá trên thị trường công nghệ châu Á và thế giới.
Theo ước tính của Forbes, ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản xấp xỉ 20,1 tỷ USD. Khối tài sản này sẽ được chia cho gia đình và các con ông Lee sau khi người thừa kế của ông nộp đủ thuế thừa kế theo đúng luật pháp Hàn Quốc.
|
Gia tộc Lee có thể phải nộp đến 9 tỷ USD thuế để thừa kế khối tài sản khổng lồ của cố Chủ tịch Lee Kun Hee. Ảnh: Getty Image |
Để thừa kế khối tài sản khổng lồ 20,1 tỷ USD này, người thừa kế tài sản của cố Chủ tịch Lee Kun Hee phải đóng mức thuế rất lớn. Theo ước tính của Reuters, thuế thừa kế đối với các tài sản nói trên dự kiến vào khoảng 10.600 nghìn tỷ won, tương đương 9,4 tỷ USD. Đây có thể là mức thuế thừa kế lớn nhất mà một gia đình phải trả từ trước đến nay trong lịch sử luật thừa kế.
Thực tế, gia tộc Samsung không phải là trường hợp đầu tiên phải nộp khoản thuế khổng lồ để thừa kế tài sản ở Hàn Quốc.
Năm 2019, người thừa kế của tập đoàn Hanjin Group cũng gặp trường hợp tương tự sau khi cố Chủ tịch tập đoàn Cho Yang-ho qua đời. Ông Choi Won-tae, Chủ tịch Korean Airlines và con trai của ông Cho Yang-ho, phải từ bỏ quyền quản lý và bán một phần cổ phần trong khoản tài sản được thừa kế để trả thuế. Ước tính mức thuế thừa kế mà ông Cho Won-tae phải trả hơn 270 tỷ won (232 triệu USD).
Năm 2018, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo và các thành viên trong gia đình phải trả khoản thuế thừa kế lên đến 921,5 tỷ Won (tương đương 817 triệu USD) trong hơn 5 năm khi tiếp quản LG sau khi bố ông qua đời.
Các đế chế "cha truyền con nối" khác tại Hàn Quốc cũng chịu chung hoàn cảnh thuế thừa kế cao ngất ngưởng. Trong đó bao gồm nhà sản xuất bao cao su lớn nhất trên thế giới Unidus, hãng bấm móng tay lớn nhất thế giới Three Seven hay nhà sản xuất hộp đựng thực phẩm lớn nhất tại Hàn Quốc Lock & Lock Co.
Ông Lee Woo-hyun, giám đốc điều hành công ty OCI, buộc phải từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất trong công ty vì đã bán cổ phiếu nắm giữ để trả 200 tỷ won (175,36 triệu USD) tiền thuế thừa kế.
Tuy nhiên, có rất nhiều công ty đã lách luật bằng cách điều chỉnh lượng cổ phần sở hữu ở mức 29,9% để tránh ngưỡng 30%.
Chẳng hạn như ở Tập đoàn Hyundai. Hai người con của tỷ phú Chung Mong Koo đã hạ tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại công ty liên kết Innocean Worldwide xuống 29,9% vào năm 2015 khi các quy định điều tra của FTC có hiệu lực.
Được biết chi nhánh này mang về tới 79,9% tổng doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2016.