|
Hiện tại, phi công người Việt vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới bay của các hãng. |
Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho biết, ngay khi có thông tin nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công nước này dùng bằng lái máy bay giả mạo, cơ quan này đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam rà soát, dừng giao nhiệm vụ cho phi công quốc tịch Pakistan hoặc dùng bằng lái do Pakistan cấp. Qua rà soát, nhà chức trách hàng không Việt Nam khẳng định, đã cấp phép bay cho 27 phi công người Pakistan được hoạt động tại các hãng hàng không của Việt Nam. Trong đó, Vietjet Air có 17 phi công, Vietnam Airlines có 6 phi công, Jetstar Pacific có 4 phi công.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không, trong tổng số 27 phi công người Pakistan được cơ quan này cấp phép, thời điểm này chỉ có 12 người đang lưu trú và làm việc tại Việt Nam, 15 phi công còn lại đã về nước do hết hợp đồng hoặc do dịch COVID-19 chưa quay trở lại làm việc. Trong số 12 phi công đang có mặt tại Việt Nam, có 11 người đang làm việc cho Vietjet, 1 làm việc cho Jetstar Pacific. Cục Hàng không khẳng định, đã cấp giấy phép lái máy bay cho 12 phi công Pakistan đang có mặt tại Việt Nam tuân thủ các quy định của Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế. Trong quá trình khai thác bay tại các hãng hàng không Việt Nam, không có trường hợp phi công Pakistan nào liên quan vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay.
Vietnam Airlines nói rằng, qua rà soát các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO), hiện không có phi công quốc tịch Pakistan sử dụng bằng cấp, chứng chỉ do Pakistan cấp đang hoạt động. Hãng này khẳng định, luôn sàng lọc, lựa chọn các phi công nước ngoài từ những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp, uy tín.
Vietjet Air cũng khẳng định, thời điểm này không có phi công Pakistan đang làm nhiệm vụ. Vietjet đã chủ động rà soát trước khi Cục Hàng không có văn bản yêu cầu rà soát. Hãng này cho biết, đang phối hợp các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để xác minh các thông tin bằng cấp của đội ngũ phi công, đảm bảo không phân biệt đối xử đối với đội ngũ lao động đang làm việc tại hãng, với mục tiêu cao nhất là an toàn cho mọi chuyến bay. Vietjet cũng khẳng định, tất cả các phi công đều được hãng tuyển chọn theo các quy trình tiên tiến quốc tế, sát hạch nghiêm ngặt, xác minh hồ sơ lý lịch của các cơ quan ngoại giao và tư pháp.
Bamboo Airways lên tiếng, toàn bộ phi công trong biên chế của hãng không mang quốc tịch Pakistan. Các hãng hàng không Việt đề cập nỗ lực “nội địa hóa” phi công, khi chủ động đào tạo, hoặc đặt hàng đào tạo phi công người Việt Nam. Những năm gần đây, câu chuyện lôi kéo phi công Việt của các hãng hàng không Việt Nam tốn không ít giấy mực của báo chí.
Thậm chí, có phi công người Việt còn khởi kiện cả hãng hàng không vì các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng lao động, khiến họ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian để xin chuyển việc. Hiện tại, để đào tạo được một phi công người Việt, tốn khoảng 2 tỷ đồng và mất hơn 2 năm.
Quy trình cấp phép phi công nước ngoài
Khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho phi công nước ngoài, Cục Hàng không sẽ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thông tin tại các mẫu đơn đề nghị, tuổi, sức khỏe, bằng cấp, tổng số giờ bay, kinh nghiệm của phi công.
Tiếp đó, Cục Hàng không liên hệ với nhà chức trách cấp giấy phép gốc của phi công, đảm bảo giấy phép đã được cấp bởi quốc gia thành viên ICAO và tuân thủ quy định tối thiểu về cấp giấy phép cho nhân viên hàng không.
Sau khi có được thông tin đầy đủ về tình trạng giấy phép đề nghị chuyển đổi từ phi công nước ngoài đảm bảo không vi phạm quy định hiện hành, Cục Hàng không Việt Nam sát hạch lý thuyết cho người lái và thực hành trên buồng lái mô phỏng.
Khi hoàn thiện các bước trên, phi công nước ngoài mới được Cục Hàng không cấp giấy phép để hoạt động cho các hãng hàng không Việt.
Theo Cục Hàng không, hiện tại các hãng hàng không Việt đang sử dụng 1.223 phi công người nước ngoài. Trong đó, Vietnam Airlines dùng 309 phi công; Jetstar Pacific - 145; Vietjet - 622; Bamboo Airways - 147.