Pomina, Thép Việt Ý, Thép Tiến Lên, Thép Dana Ý lỗ chồng lỗ
Vì bị ngừng sản xuất trong quý 4/2019 nên Thép Dana Ý (HNX: DNY) báo lỗ tiếp hơn 50 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cả năm lên 313 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty chỉ ghi nhận doanh thu hơn 2,7 tỷ đồng, toàn bộ nguồn thu này là phần thanh lý hoặc xuất trả một số vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn và một phần nguyên liệu để trang trải kinh phí.
Cũng ghi nhận lỗ trong 3 quý trước, Thép Dana Ý ôm lỗ đến 313 tỷ đồng trong cả năm 2019, đây là khoản lỗ khủng nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế tại ngày 31/12/2019 của Công ty ghi nhận đến 329 tỷ đồng, con số này đã vượt vốn góp chủ sở hữu (270 tỷ đồng).
Tiếp đà lỗ khủng của quý vừa rồi, Thép Pomina (HoSE: POM) ghi nhận 3.050 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ và báo lỗ sau thuế đến gần 58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gần 33 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ là do Công ty đang triển khai 2 dự án trong đó dự án lò cao quý 2/2020 sẽ đi vào hoạt động và dự án tôn mới đi vào hoạt động quý 2/2019 nên chi phí lãi vay tăng 71% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có một nhà máy ngưng sản xuất do sự có thiết bị làm sản lượng bán giảm. Nhà máy này đã khắc phục và bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10.
Cả năm 2019, Thép Pomina đạt 12.213 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2018 và báo lỗ gần 310 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 433 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Thép Pomina báo lỗ sau 5 năm kể từ 2015.
Thép Việt Ý (HoSE: VIS) cũng ghi nhận lỗ 78 tỷ đồng trong quý 4/2019. Nguyên nhân do Công ty kinh doanh dưới giá vốn nên phải ghi nhận khoản lỗ gộp 31 tỷ đồng, bên cạnh đó là do gánh chi phí tài chính lớn, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Tuy có doanh thu trong năm 2019 giảm 12% về mức 4.593 tỷ đồng nhưng Thép Việt Ý chỉ lỗ 219 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều so với con số lỗ 326 tỷ đồng của năm 2018.
Như vậy lỗ lũy kế của Thép Việt Ý hiện đã tăng lên 545 tỷ đồng, gần đuổi kịp vốn góp chủ sở hữu.
Báo lỗ khủng nhất trong quý 4/2019 của các doanh nghiệp ngành thép là Thép Tiến Lên (HoSE: TLH). Theo đó, do kinh doanh dưới giá vốn cùng việc lỗ trong liên doanh, liên kết khiến Thép Tiến Lên ghi nhận lỗ sau thuế gần 177 tỷ đồng, trong khi con số lỗ cùng kỳ chỉ bằng phân nửa.
Kết quả lỗ này là mức lỗ sâu nhất của Công ty từ quý 4/2015. Thép Tiến Lên có kết quả kinh doanh đi xuống kể từ thời điểm ngành thép bắt đầu gặp khó khăn (năm 2017).
Về tình hình cả năm 2019, Thép Tiến Lên đạt gần 5.396 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 9% cùng kỳ. Lỗ sau thuế của Công ty là 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 85,6 tỷ đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ nặng trong quý 4/2019 nhưng cũng có những doanh nghiệp lãi lớn |
Các ‘ông lớn’ báo lãi tăng
Trái ngược với những doanh nghiệp thua lỗ trên, một số doanh nghiệp có tiếng trong ngành báo lãi tăng trưởng trong quý 4/2019 như Thép Nam Kim, Hoà Phát, Hoa Sen,…
Cụ thể, Thép Nam Kim (HoSE: NKG) mang về 3.190 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so cùng kỳ. Tuy vậy giá vốn hàng bán giảm đến 10%, chiếm hơn 3.058 tỷ đồng nên lãi gộp của Công ty đạt hơn 132 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ được cải thiện lên 4% từ mức 1% của quý 4/2018.
Tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể góp phần làm cho lãi ròng của Thép Nam Kim ghi nhận hơn 13 tỷ đồng, khả quan nhiều so với con số lỗ gần 160 tỷ đồng của cùng kỳ.
Kết quả này giúp cho Công ty thu về lãi ròng gần 92 tỷ đồng trong cả năm 2019, tăng đến 88% so cùng kỳ tuy doanh thu thuần giảm 16%, còn 12.177 tỷ đồng.
Với ‘ông lớn’ Thép Hòa Phát (HoSE: HPG), công ty này thu về mức doanh thu 18.282 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.923 tỷ đồng trong quý 4/2019, đều tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được chủ yếu nhờ sản lượng thép xây dựng, ống thép đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2019, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 63.658 tỷ đồng và lãi sau thuế 7.578 tỷ đồng, thực hiện được 91% kế hoạch doanh thu và vượt 13% kế hoạch lợi nhuận.
So với kết quả năm 2018, doanh thu của Hòa Phát năm 2019 tăng trưởng 14% trong khi lãi giảm 12%, tương đương giảm hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo thông tin được công bố mới đây, Hòa Phát cho biết, trong tháng 1/2020, do kỳ nghỉ tết Dương lịch và Âm lịch với thời gian dài đã ảnh hưởng chung tới kết quả tiêu thụ của các doanh nghiệp thép xây dựng.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt mức khiêm tốn 175.800 tấn, giảm đến 42% so với con số 250.000 tấn của tháng 1/2019.
'Ông lớn' ngành thép khác cũng báo lãi tăng trưởng trong quý gần nhất là Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), trong quý 1 vừa qua (giai đoạn từ 1/10 đến 31/12/2019), Hoa Sen đạt 6.585 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với cùng kỳ và lãi sau thuế lại tăng gấp 3 lần cùng lên 181 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa diễn ra giữa tháng 1, Hoa Sen lên kế hoạch theo giả định giá thép cán nóng xoay quanh 500 - 520 USD/tấn. Theo đó, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 28.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hoa Sen sẽ tiếp tục tái cấu trúc và từng bước cải thiện hơn nữa tình hình tài chính. Mục tiêu lãi sau thuế hợp nhất là 400 tỷ đồng, tăng 11% so với niên độ trước.
Các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, nguồn cầu thép có thể giảm trong năm 2020
Theo phân tích của SSI, sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh mẽ. Cơ quan này ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Gia tăng công suất có thể gia tăng sức ép cạnh tranh do trong năm 2020, tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, đến từ khu liên hợp thép Dung Quất của HPG và nhà máy VAS Nghi Sơn với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500 nghìn tấn.
Tuy nhiên, một phần của việc gia tăng công suất bù đắp cho việc đóng cửa một số dây chuyền sản xuất từ Posco SS ở miền Nam với công suất 500 nghìn tấn/năm.
Xu hướng chiếm lĩnh thị phần có thể tăng tốc, nhưng áp lực giảm giá thép không quá lớn: Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, xu hướng chiếm lĩnh thị phần trong mảng thép xây dựng có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty lớn với lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, vận chuyển, và hệ thống phân phối như Hoà Phát.
Tuy nhiên, áp lực giảm giá thép không quá lớn, do các công ty nhỏ hơn và không hiệu quả có thể chọn cắt giảm sản lượng sản xuất khi doanh thu không thể bù đắp được chi phí.
So với thép xây dựng, thị trường tôn mạ có thể ổn định hơn trong năm 2020, do các công ty lớn nhất không có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới.
Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên toàn thế giới, Việt Nam có thể gia hạn các mức thuế bảo hộ cho thép dài trong năm tới. Mức thuế hiện tại là 17,3% đối với phôi thép dài và 10,9% đối với thép xây dựng.
Các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc dự báo tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới, và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép ở Trung Quốc trong năm 2020 ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước tính là 7,8% trong năm 2019. Do đó, tổng mức tăng trưởng nhu cầu thép thế giới ước tính đạt 1,7% trong năm 2020, giảm khoảng 3,9% trong năm 2019.
Công suất tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước, khiến giá thép trong nước khó biến động mạnh hơn.