Nhiều doanh nghiệp ngập trong thua lỗ
Lỗ khủng nhất phải kể đến Thép Pomina (POM), Công ty báo lỗ gần 119 tỷ đồng trong quý. Doanh thu quý 3 chỉ đạt 2.966 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng neo ở mức cao khiến lãi gộp chỉ hơn 9 tỷ đồng.
Song song đó, chi phí tài chính tăng khủng, gấp gần 2 lần so cùng kỳ, ghi nhận gần 100 tỷ đồng. Kết quả, Thép Pomina ghi nhận lỗ sau thuế gần 119 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ. Đây cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của Công ty.
Tính chung 9 tháng, Thép Pomina báo doanh thu thuần đạt 9.151 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ đồng thời ghi nhận lỗ hơn 252 tỷ đồng, cách rất xa so với số lãi hơn 400 tỷ đồng cùng kỳ.
Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) báo lỗ trong quý 3 gần 9 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm báo lãi sụt giảm. Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.253 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tới 97% trong doanh thu thuần khiến lãi gộp giảm tới 63% xuống còn gần 33 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí và chịu lỗ hơn 1 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết khiến Thép Tiến Lên báo lỗ 8,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 31 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Thép Tiến Lên đạt 3.810 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt gần 31 tỷ đồng, giảm 82% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Thép Việt Ý (VIS) thì báo doanh thu thuần đạt 1.086 tỷ đồng, giảm 8% so với quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí giá vốn đội lên cao, nên Thép Việt Ý đã lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh hơn 41,2 tỷ đồng.
Trừ thêm các loại chi phí phát sinh như tài chính, chi phí bán hàng, thì Thép Việt Ý còn lỗ 75,3 tỷ đồng trong quý 3, đây là quý thứ 6 liên tiếp Công ty kinh doanh thua lỗ.
9 tháng, Công ty báo doanh thu thuần đạt 3.448 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên vẫn tình trạng giá vốn cao hơn cả doanh thu, nên Thép Việt Ý ghi nhận lỗ hơn 141 tỷ đồng từ đầu năm, cao hơn số lỗ 130,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối lên trên 467 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp hiếm hoi báo lãi nhưng lại đi lùi
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3. So với quý 3/2018, doanh thu của Hòa Phát đã tăng 6,6%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 25%.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu, đồng thời 84% lợi nhuận sau thuế cả năm với 5.655 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tại ngày 30/09, nợ phải trả của Hòa Phát tăng nhanh từ hơn 37.600 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 51.398 tỷ đồng, tương đương tăng 36,6%. Dư nợ vay cũng tăng 57% so với đầu năm, ghi nhận hơn 38.000 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn khoảng hơn 17.400 tỷ đồng, vay dài hạn hơn 20.700 tỷ đồng.
Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty cũng báo lãi ròng gần 84 tỷ đồng trong quý vừa rồi (quý 4 của niên độ 2018 – 2019, tức từ 1/7/2018 đến 30/9/2019). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý đạt 84 tỷ đồng và cả niên độ đạt 361 tỷ đồng, giảm 12% so với niên độ trước.
Gang thép Thái Nguyên (Tisco, TIS) thì kết thúc quý 3 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của Tisco đạt 2.169 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 3,2 tỷ đồng, giảm 29%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Tisco đạt 7.652 tỷ đồng, giảm 7%. Lãi ròng đạt 40 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Thép Nam Kim (NKG) có lãi trong quý nhưng rất khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 12% về mức hơn 3.068 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 10%, chiếm hơn 2.968 tỷ đồng nên lãi gộp của Nam Kim chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm đến 40%.
Trong kỳ, tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể góp phần làm cho lãi ròng của Công ty ghi nhận hơn 6 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với con số lãi quý 3/2018 nhưng con số này vẫn rất thấp so với kết quả trong các quý trước mà Nam Kim đã ghi nhận.
Tình hình trong 9 tháng cũng không mấy khả quan. Theo đó, Nam Kim báo doanh thu thuần giảm 21%, còn 8.976 tỷ đồng. Lãi gộp chỉ hơn 212 tỷ đồng, giảm sốc đến 73% so cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng giảm đáng kể từ 7% về còn 2%.
Vì quý 1 lỗ nặng nên lãi gộp trong 9 tháng của Nam Kim chỉ hơn 40 tỷ đồng, chưa bằng 20% so với con số lãi cùng kỳ, tương ứng giảm đến 83%.
|
Các doanh nghiệp ngành thép đối mặt nhiều khó khăn |
Nhiều chông gai với doanh nghiệp thép
Với những diễn biến trên thị trường, có thể dễ hiểu các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Theo giải trình, đa phần các doanh nghiệp thép cho rằng nguyên nhân báo lỗ trong quý do thị trường thép liên tục khó khăn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ đầu năm 2019. Thêm vào đó, giá thép nguyên liệu đầu vào biến động nhưng giá bán thành phẩm, giá gia công lại không tăng.
Đồng thời, sản lượng sản xuất giảm dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, mặt hàng thép thường xuyên phải đối mặt các vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm 35/142 vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước điều tra với Việt Nam. Gần đây nhất, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra tự vệ đối với hàng chục nhóm sản phẩm thép nhập khẩu.
Các sản phẩm thép bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà cả những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ.
Hiện chỉ còn nhóm sản phẩm thép xây dựng chưa bị kiện phòng vệ thương mại và chiếm khoảng 22% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn có điểm tích cực ở môi trường kinh doanh ngành thép trong nước. Vì mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam vừa ban hành mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôn màu nhập khẩu Trung Quốc 2,53% - 34,27% và Hàn Quốc là 4,71% - 19,25%, có hiệu lực từ ngày 24/10.