Nuôi đặc sản tôm càng xanh ở ruộng lúa, ai cũng muốn mua

Google News

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là mô hình vừa mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.

Trước bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đòi hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp phải có các biện pháp thích ứng nhanh để giảm thiểu rủi ro, duy trì các hoạt động sản xuất.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa được các ngành chuyên môn cho là hiệu quả và mang tính điển hình.

Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) mạnh dạng xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa với quy mô 25 ha, mật độ thả nuôi 3 con/m2.

Người dân tự đầu tư thả thêm tôm thẻ và tôm sú. Địa điểm triển khai mô hình là khu vực ngoài đê ngăn mặn thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, thời gian nuôi 06 tháng, năng suất tôm đạt gần 290 kg/ha. Theo tính toán sơ bộ, chi phí bình quân cho sản xuất 1 ha là 15 triệu đồng, trong khi đó cho thu nhập bình quân đạt từ 25 – 30 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt từ 10 – 15 triệu đồng.

Đặc biệt, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là khu vực có tiềm năng sản xuất 01 vụ lúa nuôi 1 vụ tôm.

Nuoi dac san tom cang xanh o ruong lua, ai cung muon mua

 

Nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong đất lúa.

Theo ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, tại địa phương này, do môi trường phù hợp cho tôm càng xanh phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tôm nuôi chỉ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung một ít thức ăn chế biến, nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Sự kết hợp nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm tôm, lúa sạch.

Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm đã được cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh. Kết quả mô hình nuôi tôm – Trồng lúa theo hướng hữu cơ đã được người dân áp dụng và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Thực tế hiện nay, người dân rất quan tâm đến loại hình sản xuất này, mang lại lợi ích về kinh tế khá lớn và qua đó mang lại những giá trị về mặt xã hội như giải quyết việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi lao động.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình sản xuất này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá cả đầu ra không ổn định, đầu vào luôn biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất.

Đặc biệt, nguồn vốn và tôm càng xanh giống còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Nuoi dac san tom cang xanh o ruong lua, ai cung muon mua-Hinh-2

 

Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên đất lúa ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Để khắc phục vấn đề này, bà Bùi Thị Kim Chúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang)cho biết, nếu mô hình năm 2023 này thực hiện tốt thì tiếp tục năm sau Phòng nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình này tại các vụng bị xâm nhập mặn và vùng chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, diện tích sản xuất tôm lúa trong huyện sẽ tiếp tục nâng lên.

Bà Bùi Thị Kim Chúc khẳng định thêm, mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa là mô hình vừa mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa và sản xuât lúa sạch, an toàn, đã được khẳng định là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sinh thái- hữu cơ, chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình kết hợp nhiều đối tượng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.


Theo Hồ Hoàng Tích/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)