Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều: Cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam phát triển

Google News

Theo TS Lương Hoài Nam, Việt Nam cần phải để những hình ảnh đẹp nhất lọt vào ống kính báo giới nước ngoài trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Đây là cơ hội để nền du lịch nước nhà có bước tiến mạnh và tầm ảnh hưởng nhanh chóng tới quốc tế.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ tổ chức tại Hà Nội, gần như cả thế giới hướng về Việt Nam. Hàng trăm phóng viên của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã sẵn sàng đến đất nước hình chữ S để thực hiện các câu chuyện liên quan đến sự kiện. Trao đổi với Zing.vn, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho biết đây là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam.
Cơ hội nghìn năm có một
- Hội Nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2. Xin ông cho biết ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Hà Nội nói riêng có nên tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch?
- Đối với du lịch Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là sự kiện quá tuyệt vời để kiếm tiền lập tức và quảng bá hình ảnh Việt Nam, hưởng lợi lâu dài. Nguyên thủ các nước gặp nhau nhiều nhưng tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì quá hiếm.
Cuộc gặp hai bên nhằm giải quyết cuộc đối đầu lịch sử đầy kịch tính tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo chí, phân tích chính trị và sử học quốc tế. Sự kiện sẽ thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới. Theo đó, lợi ích du lịch từ sự kiện này chia làm 2 loại: Không cần làm gì cũng có thể hưởng lợi và chủ động làm một số việc để tăng thêm lợi ích trước mắt và lâu dài. Tất nhiên, loại thứ hai mới là việc cần bàn.
Hoi nghi Thuong dinh My Trieu: Co hoi vang cho du lich Viet Nam phat trien
 
- Trước đó, vào năm 2018, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tổ chức tại Singapore là một trong những yếu tố giúp ngành du lịch của quốc đảo sư tử gặt hái thành công lớn với lượng khách quốc tế tăng kỷ lục, đạt 18,5 triệu lượt (tăng 6,2% so với năm 2017). Học tập Singapore, Việt Nam phải làm gì để nắm bắt cơ hội vàng?
- Singapore có một tên gọi ít người biết: "Little Red Dot" (tạm dịch: Một dấu chấm đỏ). Quốc đảo sư tử bé đến mức trên bản đồ thế giới, người ta không thể vẽ biên giới quốc gia mà chỉ là một dấu chấm đỏ rất khó nhìn thấy.
Nhiều người nghe nói và đọc về Singapore, biết đất nước đó giàu đẹp nhưng không phải ai cũng biết quốc đảo này nằm ở đâu. Thế nên, khi Singapore được chọn làm nơi gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trên Google Search, câu hỏi "Singapore nằm ở đâu?" lập tức lọt vào top tìm kiếm.
Tại Mỹ, đấy là nội dung tìm kiếm nhiều nhất. Theo The Straits Times, hơn 2 triệu lượt tìm kiếm câu hỏi này chỉ trong một ngày trước cuộc gặp.
Bên cạnh đó, hình ảnh về Singapore, đặc biệt hình ảnh ông Kim Jong Un, một nhân vật rất "hot" đối với giới truyền thông, thậm chí còn "hot" hơn cả ông Trump, đi dạo phố, tham quan quốc đảo tràn ngập báo chí và mạng xã hội, thu hút hàng tỷ người theo dõi. Rồi người ta tìm hiểu thêm về Singapore. Không ít người lập kế hoạch đến đây du lịch.
Lợi ích du lịch Singapore thu về từ sự kiện này ước tính khoảng 500-700 triệu USD. Trong khi đó, con số họ chi cho tất cả hoạt động tổ chức và truyền thông cho sự kiện chỉ khoảng 20 triệu SGD (khoảng hơn 15 triệu USD).
Tôi ước chúng ta có nhiều video quảng bá du lịch Việt Nam thật chất lượng cũng như ngân sách để phát sóng thật nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong các bản tin về cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Triều Tiên. Hiệu quả sẽ cao khủng khiếp.
Tuy nhiên, hiện tại có lẽ là quá muộn để làm điều này. Ngành du lịch Việt Nam quá thiếu những video như vậy trong khi ngân sách thì thú thực là chưa biết lấy đâu ra kinh phí. Quỹ phát triển du lịch Việt Nam thời điểm này mới chỉ nằm trên giấy, chưa có bộ máy, lại càng chưa có tiền và cơ chế sử dụng tiền.
Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, quốc đảo sư tử chi khoảng 5 triệu SGD cho các hoạt động truyền thông sự kiện. Chi phí quảng bá du lịch không biết bao nhiêu nhưng có thể hình dung là khá nhiều.
Thông thường, mỗi năm, Singapore chi khoảng 100 triệu SGD (73,8 triệu USD) trong khi nước ta chi khoảng 2 triệu USD. Một số người cho rằng Việt Nam chi cho quảng bá du lịch ít như vậy đã thu về 15 triệu du khách quốc tế và doanh thu du lịch đạt 27 tỷ USD (bằng 7% GDP) chứng tỏ chi rất hiệu quả và cần gì phải chi nhiều hơn. Nghĩ như vậy rất bé và khó lớn.
Chúng ta nên nghĩ tại sao Việt Nam lớn như vậy nhưng thu hút du khách quốc tế chỉ 15 triệu trong khi "Một dấu chấm đỏ" như Singapore lại có 18,5 triệu và Thái Lan có đến 37,5 triệu du khách quốc tế? Tất nhiên, doanh thu du lịch của họ lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Đó là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, trước mắt, trong thời gian hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, Hà Nội nên chỉnh trang đô thị sạch đẹp, ban đêm đèn điện sáng trưng (nhưng đừng lòe loẹt rẻ tiền) ở những nơi như hồ Gươm, phố cổ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật ngoài trời.
Chúng ta hãy làm sao để thật nhiều hình ảnh đẹp lọt vào ống kính nhiếp ảnh và truyền hình của các nhà báo nước ngoài đến Hà Nội. Báo giới quốc tế đến Việt Nam không chỉ đưa tin về cuộc gặp giữa Donald Trump và Kim Jong Un. Nhiều người sẽ kết hợp viết và làm phóng sự về Việt Nam, về du lịch Việt Nam. Tất nhiên, họ muốn có những hình ảnh đẹp và sự kiện hấp dẫn.
Lưu ý, về giao thông, Hà Nội nên làm sao để giảm bớt tình trạng tắc đường. Những hình ảnh tắc đường ở thủ đô xấu xí khủng khiếp.
Hoi nghi Thuong dinh My Trieu: Co hoi vang cho du lich Viet Nam phat trien-Hinh-2
 

Thiên nhiên và văn hoá là thế mạnh nổi trội
- Theo ông, hiện tại, du lịch Việt Nam đang sở hữu những thế mạnh nào? Trong đó, điểm nào mang lại tác dụng nhanh chóng nhất khi được đẩy mạnh quảng bá?
- Đánh giá về du lịch Việt Nam, tôi nói nôm na thế này: Cái gì thiên nhiên tạo ra và cái gì tổ tiên ta để lại, du khách quốc tế đánh giá rất cao. Đấy là thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp. Đấy là văn hóa nước Việt độc đáo và hấp dẫn.
Trong khi đó, những gì phụ thuộc vào con người hiện tại thì bạn bè quốc tế lại đánh giá không cao. Ví dụ, độ cởi mở về visa du lịch thấp. Quảng bá du lịch ít. Hạ tầng sân bay chưa tốt. Lựa chọn đường bay, chuyến bay chưa nhiều. Giao thông đô thị, giao thông đường bộ và đường sắt lạc hậu, kém an toàn. Vệ sinh ở các điểm du lịch kém. Chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều vấn đề. Giá tour du lịch cao.
Riêng về ẩm thực, tôi cho rằng lợi thế này không đáng kể. Việt Nam có những món ăn nổi tiếng thế giới như phở và bánh mì. Tuy nhiên, không du khách nước ngoài nào có thể ăn món Việt trong suốt thời gian cư trú. Người Âu vẫn muốn ăn món Âu, người Nhật muốn ăn món Nhật và người Hàn muốn ăn món Hàn cũng như người Việt sang châu Âu hay Mỹ du lịch kiểu gì cũng tìm đến các quán ăn quê nhà chứ không muốn ăn đồ Tây suốt cả chuyến đi.
Một điểm du lịch quốc tế cần có sự đa dạng ẩm thực quốc tế thay vì lạm dụng ẩm thực địa phương. Khẩu vị của các dân tộc rất khác nhau và khó thay đổi. Hãy nhìn Singapore. Đó là cả một thế giới ẩm thực!
- Và những điểm yếu nào cần khắc phục để du khách muốn quay trở lại?
- Các yếu điểm của du lịch Việt Nam đều được nhận dạng hết rồi. Người Việt chỉ ra. Người nước ngoài chỉ ra. Chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh, cho thấy điểm nào mạnh, điểm nào yếu. Chúng ta chỉ cần xem bảng xếp hạng cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) là thấy rõ, chưa cần điều tra, khảo sát gì thêm. Nhưng kết quả khắc phục các yếu điểm thì còn rất hạn chế.
Tuy tạo ra 7% GDP và đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt doanh thu 45 tỷ USD (hơn 10% GDP) nhưng cá nhân tôi thấy vị thế của ngành du lịch cũng như của cơ quan quản lý du lịch quá thấp so với các mục tiêu phát triển.
Hiện tại, phần lớn các nước trong ASEAN đã có Bộ Du lịch và Bộ trưởng Bộ Du lịch là thành viên nội các. Singapore tuy không chia thành bộ riêng nhưng phân du lịch thuộc Bộ Công thương - một cơ quan quyền lực. Trong khi đó, Việt Nam lại ghép du lịch, một ngành kiếm tiền, với văn hóa và thể thao, những ngành tiêu tiền. Tôi thấy như vậy chưa hợp lý về tổ chức quản lý nhà nước. Đây không phải quan điểm chính thống của Hội đồng tư vấn du lịch, mà của cá nhân tôi. Cũng phải có ai đó nói ra để bắt đầu suy nghĩ về điều này.
Trước mắt, chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng. Chính sách visa du lịch cần cải thiện. Cụ thể, Việt Nam cần mở rộng danh sách các nước được miễn visa du lịch, có thể chưa được 155 nước như Malaysia hay 157 nước như Singapore nhưng ít ra cũng phải 61 nước như Thái Lan. Con số miễn visa du lịch cho 24 nước như hiện tại là quá ít.
Các loại visa online và visa on-arrival cũng cần thay đổi để tạo sự thuận lợi cho du khách, giống như nhiều nước khác. Chúng ta cũng có thể bổ sung visa transit để khuyến khích du khách đường dài dừng chân lại Việt Nam vài ba ngày.
Bên cạnh đó, hạ tầng sân bay cần phát triển. Việt Nam cần mở cửa bầu trời và có thêm nhiều hãng hàng không nhằm tăng lựa chọn đường bay, chuyến bay cũng như giảm giá vé máy bay.
Hiện tại, nước ta chỉ có 4 hãng hàng không. Con số này là quá ít. So với Thái Lan, họ có 13 hãng hàng không.
Ngoài ra, công tác quản lý điểm đến cần cải thiện, tăng chất lượng dịch vụ, vệ sinh ngôi trường và an ninh du lịch. Du khách nội địa, quốc tế đem đến cho các địa phương nguồn thu lớn. Do đó, các địa phương phải chi thỏa đáng và tổ chức hiệu quả trong việc duy trì chất lượng điểm đến. Du khách đến đông ắt xả rác nhiều. Dọn rác cho sạch sẽ là trách nhiệm của địa phương, phải chi tiền ra để làm chứ!
Ngành du lịch cần được trao quyền nhiều hơn
- Thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đang đến rất gần. Tuy nhiên, hiện tại, ngành du lịch Việt Nam gần như chưa có động thái gì để nắm bắt cơ hội vàng. Với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, ông có nhận xét gì về tình trạng này?
- Thật khó để ngành du lịch có thể làm gì nhiều khi thời điểm đã quá gần. Một phần nguyên nhân bởi trong tay cơ quan quản lý du lịch có rất ít quyền và rất ít tiền. Tôi tin là Tổng cục Du lịch sẽ cố gắng tối đa, nhưng tôi rất hiểu, rất chia sẻ những cái khó của họ.
Tôi hy vọng nhiều hơn vào chính quyền Hà Nội và sự chủ động, năng nổ của các doanh nghiệp du lịch. Hãy học các nước bạn. Họ nhanh nhạy kinh khủng với các cơ hội kinh doanh, biết cách “vắt ra tiền” từ mọi sự kiện lớn, nhỏ.
- Thực tế, ngày càng nhiều sự kiện quốc tế quan trọng chọn Việt Nam là nơi tổ chức. Để tận dụng tốt hơn các cơ hội, theo ông, ngành du lịch Việt Nam có nên xây dựng riêng một quy trình quảng bá ăn theo sự kiện?
- Meeting Incentive Conference Event (MICE) là một mảng du lịch rất lớn và được nhiều nước chú trọng. Nhiều sự kiện do chính phủ và các ngành tạo ra, một số khác do ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, các sự kiện lớn đều tạo nhiều cơ hội quảng bá du lịch.
Song, trước khi nói đến một quy trình quảng bá ăn theo sự kiện, chúng ta phải có một cơ quan quảng bá du lịch quốc gia chuyên trách. Việt Nam chưa có cơ quan này. Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, không phải cơ quan quảng bá du lịch.
Như ở nhiều nước, họ có hẳn một cơ quan gọi là Hội đồng Quảng bá Du lịch (Tourism Promotion Board). Quảng bá du lịch nói chung và quảng bá ăn theo sự kiện nói riêng là việc, là trách nhiệm của bộ máy này.
Lại nói về Việt Nam, hiện tại, nếu có quy trình quảng bá ăn theo sự kiện thì cũng không biết giao cho ai và lấy tiền đâu để làm.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.
TS Lương Hoài Nam là một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và du lịch. Ông hiện là thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB).  Trước đó, ông từng đảm nhiệm các vị trí như Tổng biên tập Tạp chí Heritage, Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines và Giám đốc Điều hành Air Mekong. Ông thường xuyên có những góp ý về các vấn đề Xã hội, Giáo dục và Du lịch.

Theo Kim Ngân/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)