Là tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bảo hiểm, Tập đoàn Bảo Việt giờ đây đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như: Ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản. Thế nhưng, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn khi nhiều dự án bất động sản thuộc sở hữu của Tập đoàn Bảo Việt vẫn nằm đắp chiếu hay bị bỏ hoang cả chục năm trời. Đặc biệt hơn, là nhiều dự án thuộc địa bàn Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của nước ta.
Những dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố Hà Nội bao gồm: Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì; Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy, ước tính tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt bị “nhắc nhở”
Thuộc danh mục các dự án được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát của thường trực HĐND TP. Hà Nội, Dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) của Tập đoàn Bảo Việt là 1 trong số 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng.
|
Dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt vẫn đang chờ ngày được lên tầng |
Được biết, năm 2019, dự án đã được UBND TP. Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019. Bên cạnh đó, dự án này cũng đã được gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019. Thế nhưng thời điểm hiện tại, dự án Nhà ở cao tầng Bảo Việt trên thực tế vẫn chỉ là một bãi đất trống bị bỏ hoang.
Nhiều người cao tuổi sinh sống cạnh khu đất dự án này cho biết, trong khu đất cỏ um tùm, nhiều vũng nước tụ đọng, ngoài ra còn nhiều căn nhà hoang chưa bị phá bỏ và rác thải bị vứt trộm khiến khu đất trở thành nơi sinh sôi của ruồi muỗi, côn trùng gây ô nhiễm và đe dọa sức khỏe người dân nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ngoài ra, những căn nhà hoang trong khu đất còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn xã hội khác.
Dự án Tháp Tài chính IFT nằm hoang hóa
Năm 2005, Tập đoàn Bảo Việt đã được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 tại số 220 Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Tháp Tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
|
Dự án Tháp tài chính Quốc tế để hoang hóa đã sang đến "tuổi 17"
|
Tòa tháp còn là tòa cao ốc đầu tiên tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn Tòa nhà xanh (Green Building) và Tòa nhà thông minh (Intelligent Building). Thiết kế tổng thể Tháp Tài chính Quốc tế hướng đến sự phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường.
Thế nhưng sau nhiều năm dự án vẫn đang bị lãng quên với vai trò là một khu trung tâm văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây chỉ là bãi đất trống, cả khu vực hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trải qua hàng chục năm nơi đây vẫn chỉ được quây tôn không tiến hành xây dựng mà chẳng ai biết được lý do.
Vị trí vàng không cứu nổi Seven Star
Nằm vị trí “vàng” giữa trung tâm quận Cầu Giấy, dự án Seven Star được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011 do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà –-Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
Được biết dự án có tổng điện tích 2.2ha; Tổng mức đầu tư 4.436,790 tỉ đồng; Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỉ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỉ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội.
|
Vị trí dự án Seven Star giờ đã bị chia năm, xẻ bảy |
Lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà văn phòng các hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.
Theo dự kiến ban đầu của CEO Group, dự án Seven Star được khởi công trong tháng 12.2010 và hoàn thành trong quý IV.2013. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ, dự án vẫn đắp chiếu, bỏ hoang. Khu đất bất ngờ mọc lên hàng loạt công trình sai mục đích như bãi rửa xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá...
Với nhiều dự án đắp chiếu, việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản dường như chỉ đem lại “trái đắng” và tai tiếng cho Tập đoàn Bảo Việt. Điều này làm dấy lên nhiều dấu hỏi lớn xung quanh những bất thường về tài chính và về năng lực thực sự của tập đoàn này. Phải chăng, các dự án do Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư là để giữ đất vàng, hay vì một mục đích kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai?