Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế.
Theo đó, có tới 581 quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và 2.402 quyết định cưỡng chế nợ thuế. Trong số công ty bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có 130 công ty niêm yết trên HSX, 119 công ty niêm yết trên HNX, 240 công ty đăng ký giao dịch Upcom. Trong số các công ty bị cưỡng chế nợ thuế, có 62 công ty niêm yết trên HSX, 99 công ty niêm yết trên HNX, 165 công ty đăng ký giao dịch Upcom.
|
Dù 'gặt hái' nhiều giải thưởng về DN niêm yết, Tập đoàn Bảo Việt vẫn nằm trong danh sách vi phạm pháp luật về thuế và bị phạt nộp chậm và phạt vi phạm hành chính thuế. |
Trong danh sách này, hàng loạt “ông lớn” được nêu tên như Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty CP FPT, Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà…
Đáng chú ý, một số DN từng “gặt hái” nhiều giải thưởng tại các cuộc bình chọn DN niêm yết về tăng trưởng, đổi mới quản trị và minh bạch hóa thông tin như Tập đoàn Bảo Việt cũng bị “bêu tên” trong danh sách này vì bị Cục Thuế TP Hà Nội phạt chậm nộp và phạt vi phạm hành chính. Trong năm 2018, tại cuộc bình chọn DN niêm yết năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) đã đứng đầu cả 3 hạng mục giải: Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất của nhóm Large Cap; Top 5 doanh nghiệp có báo cáo quản trị công ty tốt nhất và Giải nhất Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất.
Ông Đỗ Trường Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt từng cho biết: “Bảo Việt luôn chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan; thông qua đó, chúng tôi đã nhìn nhận và đánh giá được những hoạt động DN triển khai vừa qua, từ đó xây dựng định hướng hoạt động bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo”.
Ngoài ra, danh sách của Tổng cục Thuế cũng “điểm danh” Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Mã CK: HDG) bị phạt nộp chậm hơn 203 triệu đồng, Công ty CP FPT bị truy thu thuế hơn 118 triệu đồng, Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà bị phạt nộp chậm tổng cộng gần 637 triệu đồng, Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC bị phạt nộp chậm 65 triệu đồng…
Đối với các DN bị cưỡng chế thuế, nhiều nhất phải kể đến Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang An, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty CP Tập đoàn Thành Nam, Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUDI... Một số cái tên vi phạm pháp luật thuế và bị xử phạt nặng nhất trong danh sách này gồm: Công ty CP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (Sàn Hose) bị Chi cục Thuế huyện Phú Quốc phạt chậm nộp hơn 14 tỷ đồng tiền thuế; Công ty CP Công nghiệp gốm sứ Taicera (Sàn Hose) bị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai truy thu thuế 10,4 tỷ đồng; Công ty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam bị Cục Thuế TP Hà Nội phạt chậm nộp 2,7 tỷ đồng; Công ty CP Thủy sản số 4 bị Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh phạt chậm nộp 1,7 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn KIDO bị Tổng cục Thuế phạt chậm nộp 2 tỷ đồng; Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín bị Cục Thuế TP.HCM phạt chậm nộp 2,8 tỷ đồng; Công ty CP City Auto bị Cục Thuế TP.HCM truy thu thuế 1,4 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen bị Tổng cục Thuế phạt chậm nộp 1,6 tỷ đồng; Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam – CTCP bị Cục Thuế TP. Hà Nội truy thu thuế 1,2 tỷ đồng...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi danh sách các tổ chức vi phạm thuế để HSX và HXN giám sát về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo thẩm quyền.