Theo bảng xếp hạng Thương hiệu Việt Nam 2018 vừa được Brand Finance công bố, Tập đoàn Bảo Việt là thương hiệu đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu Bảo Việt được định giá đạt 116 triệu USD, tăng 8 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bảo Việt lại vướng phải những "lùm xùm" đáng lẽ không nên có đối với một tập đoàn lớn như vậy.
|
Bảo Việt là thương hiệu đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm. Ảnh Infornet. |
Lãnh đạo cao cấp thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng
Tờ Dân Việt từng đưa tin, ngày 21/4/2014, CQ CSĐT thuộc Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 người là Trần Trọng Phúc (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt), Tạ Văn Cần (nguyên kế toán trưởng Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt) và Trần Minh Thái (nguyên Kế toán chuyên quản Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt không được duyệt chi hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý nhưng từ năm 2009-2011, tại Công ty Bảo Việt Bến Tre, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt vẫn chi hoa hồng cho các đại lý, gây thiệt hại ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Người Lao Động đưa tin, ngày 31/3/2014, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt đã quyết định về việc được thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt đối với ông Trần Trọng Phúc. Ông Trần Trọng Phúc cũng thôi không là Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt.
Kiến Thức đưa tin, cũng trong năm 2014 (cụ thể là tháng 12/2014), ông Phan Kim Bằng, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn đã có đơn từ nhiệm chức vụ tại Tập đoàn Bảo Việt.
Ít lâu sau đó, các lãnh đạo khác của Tập đoàn Bảo Việt cũng thôi giữ chức vụ. Cụ thể, ngày 23/12/2014, ông Lê Quang Bình thôi giữ chức vụ Chủ tịch và thành viên HĐQT Tập đoàn; ông Nguyễn Ngọc Anh thôi chức vụ Phó chủ tịch và thành viên HĐQT; ông Dương Đức Chuyển và ông Lê Hải Phong thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT.
Doanh thu thăng trầm
Nằm trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng đầu ngành tài chính - bảo hiểm nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đem lại những nguồn lợi kếch xù cho tập đoàn.
Thông tin trên VnFinance cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của Bảo Việt đạt 23.356 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 12.279 tỷ đồng và doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 5.373 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 28,9% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết thúc quý III, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của tập đoàn chỉ ghi nhận ở mảng bảo hiểm phi nhận thọ với 54 tỷ đồng, còn lại, lỗ thuần từ hoạt động bảo hiểm nhân thọ là 1.490 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo Việt trong 9 tháng đầu năm đó lỗ tới 1.436 tỷ đồng.
Tập đoàn lớn vẫn "trơ mặt" nợ thuế
Bên cạnh việc thua lỗ trong kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt còn "dính phốt" nợ thuế. Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế.
Theo công văn này, Tập đoàn Bảo Việt cũng có tên trong danh sách này vì bị Cục Thuế TP Hà Nội phạt chậm nộp và phạt vi phạm hành chính.
Ngân hàng Bảo Việt lãi dòng giảm "chóng mặt"
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baovietbank) là thành viên trẻ nhất của Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Tuy nhiên, sức trẻ không giúp bộ phận này thăng tiến như kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và khách hàng khi lãi dòng giảm gần một nửa.
Theo NĐH, kết thúc quý I/2019, trong 3 tháng đầu năm, tuy thu nhập lãi thuần và hoạt động khác lần lượt tăng 22% và 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 131 tỷ đồng và gần 8 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ dịch vụ cao gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 19 tỷ đồng.
|
Báo cáo tài chính của Baovietbank. Ảnh NĐH. |
Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối, vàng và mua bán chứng khoán kinh doanh đều lần lượt giảm mạnh, tới 88% và 90% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Hơn nữa, chi phí hoạt động cũng tăng 24%, chiếm hơn 158 tỷ đồng đã làm lợi nhuận trước và sau thuế giảm 47% và 41% so với quý I/2018, xuống còn gần 8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng dù đã giảm trích lập dự phòng đến 97%, chỉ còn gần 3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/03/2019, BaoVietBank có tổng tài sản gần 50,945 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, chủ yếu do giảm 52% tiền gửi tại NHNN và cho vay khách hàng giảm 1%. Riêng các khoản lãi, phí phải thu tăng 8%, đạt hơn 1.507 tỷ đồng.
Về các nguồn vốn huy động, BaoVietBank ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt gần 29.439 tỷ đồng, tăng 9%, trong khi tiền gửi và vay của các TCTD khác giảm 28%, đạt hơn 13.036 tỷ đồng, và phát hành giấy tờ giảm 6%, xuống còn ở mức hơn 3.988 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2019, tổng nợ xấu của Baovietbank giảm 4% so với đầu năm chủ yếu là vì nợ có khả năng mất vốn giảm 24%, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn tăng 66% và nợ nghi ngờ tăng 23% so với đầu năm.
Đồng thời, tổng cho vay khách hàng chỉ giảm 1% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng của BaoVietBank giảm từ 3,98% xuống còn 3,85%.