Chuyến bay quốc tế phải delay để chờ đúng 1 người
Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên Gia đình và Xã hội, chuyến bay quốc tế VN031 từ TP.HCM đi Frankfurt (Đức) dự kiến cất cánh lúc 22h10 phút đã phải lùi đến 23h22 phút. Nguyên nhân chuyến bay bị trễ đến 72 phút là do tổ bay được yêu cầu chờ một vị khách nối chuyến từ chuyến bay VN279.
Việc delay theo yêu cầu này đã được tổ bay lập biên bản ghi nhận dưới sự chứng kiến của cơ trưởng Trần Anh Đức và các nhân viên.
|
Chuyến bay VN31 từ TP. HCM đi Frankfurt delay cả tiếng đồng hồ để chờ 1 người. Ảnh: Người Đưa Tin.
|
Thông tin về vụ delay chuyến bay quốc tế để chờ một người được đăng tải trên nhiều trang báo tuy nhiên, các báo chỉ đưa ông Đ.T.M. không phải quan chức mà là một doanh nhân và đi hạng thương gia. Chính bởi vậy không ít người đồn đoán vị M. này chính là ông Đỗ Trường Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.
Trả lời báo Kinh tế môi trường, lãnh đạo của Tập đoàn Bảo Việt phủ nhận thông tin Tổng giám đốc Đỗ Trường Minh liên quan tới vụ việc chuyến bay quốc tế phải hoãn cả tiếng đồng hồ để chờ một vị khách nối chuyến từ Hà Nội vào TP. HCM: "Thông tin ông Minh là hành khách khiến chuyến bay bị trễ 30 phút là bịa đặt, thất thiệt".
Bên cạnh đó, vị này còn cho biết những ngày qua ông Minh vẫn đang ở Hà Nội.
Sự việc không rõ thực hư như thế nào nhưng cư dân mạng đã có những đồn đoán về nhân vật khiến cả chuyến bay bị delay. Báo chí chỉ đưa thông tin ông M. không phải quan chức mà là một doanh nhân và đi ghế thương gia. Cư dân mạng cho rằng, ông M. chính này là Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, tên Đỗ Trường Minh.
Người dùng Facebook có nickname "K.T.D" bình luận: "Trừ trường hợp bất khả kháng vì lý do kỹ thuật hoặc vì thiên tai, không cho phép cất cánh. Còn lại không một cá nhân nào có cái đặc quyền bắt hàng trăm con người phải chờ đợi một mình hắn. Tất cả các hành khách trên chuyến bay có thể khởi kiện bồi thường...".
Một người khác tỏ ra gay gắt: "Đề nghị BGTVT vào cuộc vụ này gấp nếu đúng như vậy thì phải kỷ luật người ra lệnh chờ".
Bên lề kỳ họp Quốc hội, tờ Infonet trích lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, việc để hàng trăm người chờ đợi một vị khách sẽ làm ảnh hưởng đến chuyến bay sau, kéo theo các chuyến bay khác: "Ảnh hưởng thì lớn như vậy nhưng người đó lại không có thân phận cần thiết. Đến Bộ trưởng cũng không được phép. Đó là sự vi phạm vô nguyên tắc... Qua thông tin như vậy, để nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt hãng hàng không và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều tra, kiểm tra để xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc".
Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt là ai?
Ông Đỗ Trường Minh sinh năm 1971, từng học ngành Hàng hải nhưng có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Trước khi về công tác tại Tập đoàn Bảo Việt, ông Đỗ Trường Minh từng làm việc tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với vị trí Phó Giám đốc Ban Bảo hiểm Hàng hải và là Trưởng phòng Pháp chế, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ hàng hải, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Vận tải tàu cao tốc Bắc Nam thuộc Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
|
Dư luận đồn đoán, chuyến bay bị delay có liên quan đến ông Đỗ Tường Minh - Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh internet. |
Theo thông tin trên Thời Đại, trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, ông Minh cũng có thời gian dài công tác tại đây với nhiều vị trí khác nhau trong tập đoàn bảo hiểm này. Cụ thể, từ ngày 7/4/2015, ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Khối quản lý hoạt động Tập đoàn Bảo Việt. Sau đó, tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Ngày 3/1/2018, Tập đoàn Bảo Việt nhận được văn bản của Bộ Tài chính về việc ông Nguyễn Quang Phi được thôi là người đại diện vốn nhà nước của cổ đông Bộ Tài chính. Cũng trong ngày 3/1, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt ban hành quyết định cho ông Nguyễn Quang Phi thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.
Tiếp đó, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Trường Minh, thành viên Hội đồng Thành viên, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.
Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt đạt 113.769 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD, tăng 24,5%; vốn chủ sở hữu đạt 15.435 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm cuối năm 2017.
Theo bảng xếp hạng Thương hiệu Việt Nam 2018 vừa được Brand Finance công bố, Bảo Việt là thương hiệu đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu Bảo Việt được định giá đạt 116 triệu USD, tăng 8 triệu USD so với năm 2017.