Bùng nổ 'đi chợ online' thời dịch bệnh

Google News

Tâm lý ngại đến nơi đông đúc của nhiều người tiêu dùng đã tạo cơ hội bùng nổ cho các dịch vụ đi chợ, đặt đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam.

Chị Thúy Mai (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vốn quen với việc đi chợ mua thức ăn tươi sống vào mỗi chiều tan làm. Thế nhưng, từ khi xuất hiện thông tin về dịch Covid-19 ở Việt Nam, chị chuyển sang mua hàng trong siêu thị.

“Tôi không nghĩ cần tích trữ thực phẩm, nhưng mỗi lần ghé siêu thị đều cố gắng mua đủ cho 4-5 ngày để hạn chế số lần đến nơi công cộng”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, chị Thúy Mai không còn trực tiếp đến siêu thị nữa. Chị sử dụng dịch vụ đặt giao hàng tận nơi của một siêu thị gần nhà. Mỗi đơn hàng trị giá khoảng 700.000-800.000 đồng.

Cứ như vậy, hơn 1 tháng sống trong "bão" Covid-19, chị đã dành gần 5 triệu đồng cho việc mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình.

Bung no 'di cho online' thoi dich benh

Siêu thị online, giao hàng tận nhà lên ngôi giữa mùa Covid-19. Ảnh: L.A.

Thời đại ở nhà, lướt Internet và đặt đồ ăn

"Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chợ và siêu thị là những nơi dễ lây lan virus corona, đặc biệt là chợ truyền thống. Họ dành nhiều thời gian ở nhà, xem TV và lên mạng, do đó mua sắm online, giao hàng tận nhà được tận dụng tối đa”, ông Mohit Agrawal - Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của hãng nghiên cứu Nielsen nói với Zing.vn.

Thực tế, trong 500 người được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%.

Đặc biệt, 45% đáp viên phản hồi rằng, họ tích trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn. “Số lần đi chợ, siêu thị giảm đi nên giá trị giỏ hàng buộc phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu tích trữ”, ông Mohit nhận định. Do đó, doanh thu trong ngắn hạn của các siêu thị, thương mại điện tử sẽ tăng lên, hoặc ít nhất không chịu biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh như các ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, theo ông Mohit, đây cũng là cơ hội để các chuỗi siêu thị và nhà hàng mở rộng dịch vụ giao nhận tận nhà. Trước đó, theo khảo sát của Gojek và Kantar, từ quý IV/2019 khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, 60% trong số gần 4.000 người ở Hà Nội và TP.HCM cho biết đã từng sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn online. 3/4 số người này đặt món ít nhất một lần mỗi tuần.

Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, lượng đơn hàng ăn uống online được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Đại diện Grab cũng khẳng định, hãng này có khả năng đáp ứng 300.000 đơn hàng mỗi ngày.

Thu Hà, nhân viên một quán trà sữa lớn trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết lượng khách đến quán giảm hẳn trong mấy tuần qua, cùng thời điểm chỉ phục vụ khoảng 3-4 bàn. Mặc dù vậy, đội ngũ nhân viên vẫn phải có mặt đầy đủ để chuẩn bị đơn hàng giao đi.

“Thời gian ở nhà nhiều hơn nên khách đặt trà sữa liên tục. Có anh tài xế Grab bảo chiều nào cũng giao trà sữa cho một bạn sinh viên ở gần đây”, Thu Hà nói.

Các chỉ số bùng nổ chưa từng có

“Từ ngày 23/01 (29 Tết), thời điểm thông tin về dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện nhiều, Tiki ghi nhận tăng trưởng bùng nổ về nhu cầu mua sắm, đặc biệt với sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay". ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki chia sẻ với Zing.vn.

"Chỉ trong tuần đầu tiên, số lượng khẩu trang bán ra đã tăng 8 lần, nước rửa tay tăng hơn 10 lần. Từ đầu tháng 2 đến nay, mức tăng trưởng đạt 15% so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2019”, ông nói.

Đây được coi là trường hợp tương đối đặc biệt, bởi theo ông Khánh, nhu cầu mua sắm thường có xu hướng giảm sau Tết Nguyên Đán, do người tiêu dùng đã mua sắm khá sôi nổi ở giai đoạn cuối năm và trước Tết. Thực tế, một số thời điểm trong 2 tháng cuối năm 2019, Tiki phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút.

Ngành hàng được mua nhiều nhất là đồ dùng chăm sóc cá nhân và nhà cửa. Đại diện Lazada chia sẻ, trong vòng 1 tháng qua, nhu cầu mua sắm với các mặt hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, còn sản phẩm đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%.

Bung no 'di cho online' thoi dich benh-Hinh-2

Các siêu thị lớn đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại và kênh thương mại điện tử. Ảnh: Central Group.

Các doanh nghiệp siêu thị lớn như Saigon Co.op, Central Group và VinCommerce đều nhanh chóng nắm bắt xu hướng tiêu dùng này để đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại và kênh thương mại điện tử.

Chỉ trong ngày đầu ghi nhận ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, số đơn hàng online tại Saigon Co.op đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần.

Riêng tại TP.HCM, hệ thống Big C ghi nhận hoàn tất hơn 1.000 đơn hàng qua điện thoại từ ngày 1-12/3. Theo đó, chuỗi siêu thị dự kiến đạt khoảng 3.000 đơn hàng trong tháng 3, tăng 200% so với tháng 2.

Không nằm ngoài cuộc chơi này, hãng gọi xe trực tuyến beGroup cũng ra mắt tính năng "be đi chợ" nhằm mua đồ hộ khách hàng. Theo đơn vị này, sau gần 1 tuần triển khai, be nhận được hàng trăm lượt yêu cầu dịch vụ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Tìm cách giữ chân khách hàng

Mặc dù vậy, trong giai đoạn toàn ngành cùng tăng trưởng, việc giữ vững vị thế trong lòng khách hàng cũng là thách thức lớn. Bởi theo ông Mohit, vấn đề của mua sắm online không chỉ là tìm kiếm khách hàng mới, mà còn là giữ chân những khách hàng này.

Trong đó, những yếu tố quan trọng nhất cần đảm bảo là chất lượng dịch vụ, giá cả phù hợp và mức độ tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến.

Mặc dù thường xuyên sử dụng dịch vụ đi chợ online của các siêu thị, chị Thúy Mai vẫn cho rằng phương thức này "khá phiền" so với trực tiếp đến mua.

"Với siêu thị gần nhà tôi, đơn hàng phải trên 300.000 đồng mới được ship, một số nơi yêu cầu thấp hơn cũng 200.000 đồng nên cứ phải mua thêm nhiều thứ linh tinh dù không quá cần thiết. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng được giao đúng đồ tươi sống muốn mua hay với chất lượng đảm bảo. Nói chung là phải trông chờ lòng tốt của nhân viên siêu thị", chị nhận xét.

Đây vốn là điểm yếu chung của các dịch vụ thương mại điện tử, giao đồ ăn tận nhà, bởi người mua không thể trực tiếp nhận biết hàng hóa có sẵn hay không, với chất lượng như thế nào.

Hiện nay, các chuỗi siêu thị lớn đều cho biết đã tăng nguồn cung hàng hơn 40% so với ngày thường, đồng thời huy động nhân sự tối đa để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng. Thậm chí, hệ thống Big C còn tuyên bố mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, hoặc đến khi hết khách hàng.

Đánh giá về sự bùng nổ của các dịch vụ trực tuyến trong thời gian này, ông Mohit cho rằng đây là xu hướng tất yếu và sẽ được duy trì trong dài hạn. "Ứng dụng công nghệ là bước chuyển tự nhiên trong kinh doanh, Covid-19 chỉ thúc đẩy hoạt động này diễn ra sớm hơn.. Doanh nghiệp nào bắt đầu sớm thì sẽ thu lợi sớm", ông nhận định.

 
Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)