Cảnh báo của chuyên gia tài chính
Trên cương vị là một chuyên gia kinh tế đầu ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Đinh Trọng Thịnh thường xuyên tham gia trao đổi, trả lời phỏng vấn của các chương trình truyền hình, các báo, đài phát thanh và các tạp chí về các vấn đề kinh tế nóng bỏng của cuộc sống.
|
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định về mô hình đầu tư nhỏ, lợi tức lớn |
Trong cuộc trao đổi mới đây về mô hình kinh doanh “đầu tư nhỏ, lợi tức lớn” đang được các doanh nghiệp như Bank Land áp dụng, phóng viên (PV) được PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, mô hình này thực chất chỉ là hình thức huy động vốn. Thậm chí, nhà đầu tư khi tham gia các gói đầu tư của Bank Land có thể không nhận về bất cứ thứ gì cả. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích:
“Lấy ví dụ như đầu tư cổ phần thì nhà đầu tư còn biết được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng có thể bán cổ phần ra thị trường trong trường hợp làm ăn thua lỗ. Với mô hình đầu tư kiểu này, nhà đầu tư không thể biết doanh nghiệp kinh doanh như thế nào, số tiền đầu tư vào cũng không quy đổi ra một sản phẩm độc lập để có thể “bán” được. Vậy nhà đầu tư sẽ quản lý vốn như thế nào? Và quản lý cái gì?”
Với hợp đồng hợp tác được quy định rất chung chung của Bank Land, rõ ràng các nhà đầu tư đang lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp này. Việc sử dụng số tiền đầu tư ra sao, lời hay lỗ đều chỉ do Bank Land “biết”.
|
Bảng phân chia lợi nhuận của Bank Land dễ khiến nhà đầu tư phải "xiêu lòng", sẵn sàng lựa chọn các gói đầu tư lớn và dài hạn |
Đánh vào lòng tham, Bank Land đưa ra các gói đầu tư với kỳ hạn càng dài (lên tới 72 tháng - 6 năm) thì lợi nhuận (tiền lãi) càng cao, với mức chênh lệch là 3.6%/năm cho các năm từ 1 đến 5. Duy chỉ có từ năm thứ 5 đến năm thứ 6, mức chênh lệch này tăng gấp đối, lên đến 7,2% - cũng là kỳ hạn mà các nhân viên của Bank Land sử dụng để tư vấn cho các nhà đầu tư.
Nên nhớ rằng, dù nói là “phân chia lợi nhuận”, thế nhưng để thu hồi đủ số tiền gốc ban đầu, nhà đầu tư vẫn phải chờ ít nhất là 2/3 kỳ hạn hợp đồng, và 1/3 quãng thời gian còn lại mới thực sự là “nhận lãi”.
Một giả định được đặt ra, là nhà đầu tư lựa chọn gói đầu tư với kỳ hạn 6 năm, nhưng khi mới thực hiện được 2 năm theo kỳ hạn hợp đồng, Bank Land tuyên bố giảm mức phân chia lợi nhuận, từ đó kéo dài thời gian trả tiền, thì liệu sau 6 năm dự định ban đầu, nhà đầu tư có thể thu về đủ số tiền gốc đã bỏ ra, hay phải chờ 8 - 10 năm?
Bên cạnh đó, khác với cổ phần có thể tăng, giảm giá trị so với thời điểm ban đầu, nhà đầu tư có quyền quyết định bán đi đề thu hồi vốn đã bỏ ra, thì với Bank Land, trong trường hợp nhà đầu tư muốn rút tiền về, sẽ phải chịu phạt là toàn bộ lợi nhuận đã nhận và trừ thêm 15% phí rút gốc.
Có thể thấy, đầu tư vào Bank Land là một ván cược mạo hiểm đầy rủi ro, mà Bank Land mới là “Nhà cái” quyết định ai thắng, ai thua.
Mập mờ về bất động sản đối ứng
Để nhà đầu tư “yên tâm” và sẵn sàng mạnh tay đầu tư, Bank Land đưa ra hình thức đối ứng bằng bất động sản. Cụ thể, khi nhà đầu tư lựa chọn các gói đầu tư trên 1 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ cho nhà đầu tư chọn 01 bất động sản trong danh sách bất động sản mà doanh nghiệp đang sở hữu. Bất động sản này sẽ có giá trị bằng 45 - 50% giá trị của khoản đầu tư.
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Bank Land, sau khi kết thúc kỳ hạn hợp đồng, Bên B (nhà đầu tư) sẽ rút tiền gốc, thời gian đăng ký rút gốc là 03 - 30 ngày làm việc, tùy thuộc số tiền đầu tư lớn hay nhỏ. Hợp đồng cũng có quy định rằng: Nếu số lượng tiền rút gốc lớn thì Bên A (Bank Land) có thêm một phương án là chuyển Bất động sản cho Bên B.
|
Vì lí do nào đó, mà thông tin về các bất động sản của Bank Land hiện vẫn chưa được công khai? |
Thoạt nghe qua thì đôi bên cùng có lợi: doanh nghiệp có tiền đầu tư, nhà đầu tư nắm trong tay tài sản là bất động sản. Trong trường hợp Bank Land không thể chi trả các khoản gốc và lợi nhuận thì nhà đầu tư vẫn có bất động sản để “bù lỗ”. Thế nhưng, nhìn theo góc độ khác, thì chẳng phải nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn gấp đôi giá trị của bất động sản để nắm giữ bất động sản đó?
Bên cạnh đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho hay, trong quy định pháp luật hiện nay vốn không tồn tại thuật ngữ “bất động sản đối ứng”. Như vậy, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như: đây là loại bất động sản gì? Đối ứng cho cái gì, đối ứng như thế nào? Bất động sản liệu có bán được không, giá bao nhiêu và bán cho ai?
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, khi tham gia vào các mô hình đầu tư sinh lợi nhuận này, nhà đầu tư là người phụ thuộc 100% vào doanh nghiệp, hoàn toàn mù mờ về quyền và lợi ích của chính bản thân mình.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đã tham gia và chủ nhiệm gần 40 đề tài NCKH từ cấp Trường, cấp TP cho tới cấp Bộ; tham gia viết và là tác giả của 29 cuốn sách giáo trình, tài liệu tham khảo thuộc chuyên ngành kinh tế - tài chính.
Với những cống hiến xuyên suốt hơn 40 năm cho ngành tài chính, kế toán cũng như sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHDCND Lào năm 2013, Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước CHXHCN Việt Nam năm 2012, danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2006, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tài chính năm 2005, bằng khen của Bộ Tài chính CHDCND Lào năm 2010, cùng nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ GD & ĐT…
Có thể nói, về lĩnh vực tài chính, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh là một người am hiểu sâu sắc và giàu kinh nghiệm, đưa ra được những nhận định chính xác nhất về các hình thức đầu tư cũng như các loại mô hình kinh doanh.