Doanh nghiệp đi vay, không phải hợp tác
Đó là khẳng định của ông Đỗ Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản DH Group trong buổi làm việc với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống ngày 18/5.
Theo ông Đỗ Hạnh, DH Group khác biệt với các doanh nghiệp “đầu tư hưởng lãi suất cao” từng xuất hiện rồi lại biến mất như Blue Diamond Land ở chỗ, doanh nghiệp này thực hiện vay vốn từ khách hàng, thay vì “hợp tác đầu tư”, đẩy khách hàng vào cảnh mất tiền trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hay làm ăn thua lỗ.
|
DH Group liệu có thể trả lợi nhuận (lãi suất) cho khách hàng theo đúng thỏa thuận? |
Cụ thể, theo ông Hạnh, đối với các hợp đồng vay vốn giá trị cao từ 100 triệu đồng trở lên, tài sản được đưa ra đảm bảo cho khoản vay là bất động sản của DH Group, mà người cho vay (khách hàng) được toàn quyền nắm giữ, sang tên sổ đỏ trong thời gian vay. Trong trường hợp DH Group không thể trả nợ cho khách hàng, thì bất động sản trong sổ đỏ này nghiễm nghiên trở thành tài sản của khách hàng.
Ông Hạnh cho biết, do việc vay vốn từ ngân hàng hiện rất khó, mức vay vốn cũng bị giới hạn, do đó DH Group mới triển khai phương thức vay vốn từ các khách hàng, sau đó phân chia lãi suất thu được từ kinh doanh bất động sản. Việc một số website, trang mạng xã hội quảng cáo rằng mức lợi nhuận đến từ tham gia đầu tư vào DH Group lên đến 2%/tháng là không hoàn toàn chính xác, mà chỉ đối với những khoản vay đặc biệt, có giá trị lớn. Nguyên nhân có những quảng cáo này là do đội ngũ marketing, sales đã "không hiểu phương hướng phát triển" của doanh nghiệp.
|
Lợi nhuận được DH Group đưa ra lên đến 2,5%/tháng? |
Giám đốc DH Group phân tích, việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư như tại một số đơn vị khác mang lại rủi ro lớn cho các nhà đầu tư. Bởi lẽ cả 2 bên (nhà đầu tư và doanh nghiệp) dù cùng phải góp tiền của, cùng phải chịu trách nhiệm, cùng nhận lãi, cùng chịu lỗ... thì thực chất, phía doanh nghiệp chỉ đứng ra “chịu trách nhiệm” trên giấy tờ, phần lãi họ hưởng hết, phần lỗ thì nhà đầu tư chịu. Từ đó dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp dạng này mọc lên nhanh mà biến mất cũng nhanh, thậm chí là lãnh đạo doanh nghiệp ôm tiền của nhà đầu tư bỏ trốn.
Quả thực, nếu DH Group làm được như những gì đơn vị này cam kết, thì đây là phương thức đầu tư (cho doanh nghiệp vay) ít rủi ro hơn so với hợp tác theo hình thức “đầu tư phân chia lợi nhuận”.
Hợp đồng của DH Group dưới góc nhìn luật sư
Với những cam kết và điều khoản được đưa ra, khách hàng (hay thậm chí là PV) cũng cảm thấy việc đầu tư vào DH Group để kiếm lãi là… hợp lý, do đã nắm trong tay tài sản đảm bảo là bất động sản của DH Group.
Thế nhưng, theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Đạt - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì khách hàng cần cẩn trọng trước khi tham gia các gói đầu tư của doanh nghiệp này. Bởi lẽ, có một số vấn đề pháp lý cần được xem xét kỹ.
|
Khách hàng có thật sự "nắm chăc phần thắng" khi cho DH Group vay vốn? |
Khi vay vốn, DH Group (bên vay) có dùng tài sản để thế chấp cho khách hàng (bên cho vay). Hiện nay pháp luật đã cho phép cá nhân được nhận tài sản thế chấp là nhà đất, tất nhiên, việc thế chấp và nhận thế chấp sẽ phải thực hiện theo những thủ tục pháp lý nhất định như: các bên phải lập hợp đồng thế chấp, thực hiện đăng ký thế chấp…
Tuy nhiên, trong Hợp đồng vay vốn của DH Group (cùng điều khoản về thế chấp tài sản) lại quy định, bên vay đồng ý cho bên cho vay đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là các bên sẽ thực hiện thủ tục sang tên (việc sang tên chỉ thực hiện đối với giao dịch chuyển nhượng) chứ không phải thế chấp.
Như vậy, có thể phát sinh vấn đề pháp lý bất lợi cho khách hàng bởi, giao dịch thế chấp không được đảm bảo vì không có hợp đồng thế chấp, không thực hiện các thủ tục liên quan đến thế chấp. Việc sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng không chắc chắn được đảm bảo vì thực chất, mục đích các bên không hướng đến việc chuyển nhượng.
|
Dù đứng tên sổ đỏ, nhưng không chắc bất động sản đã là của khách hàng |
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án, Toà án hoàn toàn có thể xem xét cho rằng, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giả tạo, dẫn đến hậu quả là giao dịch này sẽ bị tuyên vô hiệu, tức là việc sang tên sẽ không có giá trị pháp lý, tài sản vẫn là của DH Group. Người chịu rủi ro cao nhất vẫn chỉ có khách hàng.
Thực tế, còn những điểm bất lợi khác cho khách hàng khi ký kết và thực hiện hợp đồng vay vốn với DH Group. Khách hàng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để đưa ra quyết định sáng suốt trước khi chấp nhận ký vào một thỏa thuận mà mình không biết rõ.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.