Quảng cáo một đằng, làm một nẻo
Trong những phản ánh trước, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản DH Group (DH Group) cho biết doanh nghiệp thực chất đang vay vốn khách hàng để đầu tư, hoạt động kinh doanh bất động sản. Sau đó, theo cam kết trong hợp đồng vay vốn mà DH Group sẽ trả lãi và một phần gốc cho khách hàng với mức lãi tối đa 2%/tháng, cho các khoản vay lớn (theo nhân viên của DH Group thì 2%/tháng chỉ dành cho các chương trình đối ứng đất với số tiền trên 1 tỷ đồng).
Vấn đề đặt ra là tại sao ngay từ đầu DH Group không công khai rằng doanh nghiệp đang đi vay vốn từ các khách hàng, mà lại quảng cáo các khoản vay này là các khoản “hợp tác đầu tư” cùng doanh nghiệp?
|
DH Group quảng cáo về các khoản hợp tác đầu tư chứ không phải là vay vốn từ khách hàng |
Xét theo quy định thì hợp tác đầu tư sự thỏa thuận giữa các bên đầu tư về việc đóng góp công sức, tài sản để thực hiện một công việc nhất định, trước khi tham gia hợp tác đầu tư các bên phải phân chia rõ lợi nhuận, phân chia tài sản mà không cần thành lập tổ chức kinh tế.
Tức là, nếu theo đúng quảng cáo, thì nhà đầu tư (khách hàng của DH Group) sẽ có một số quyền lực nhất định ảnh hưởng tới phương hướng hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp, có thể nắm bắt được tình hình tài chính, doanh số cũng như lợi nhuận DH Group đạt được. Từ đó khách hàng có thể quyết định có tiếp tục tham gia đầu tư, cùng chịu rủi ro hay “rút vốn” an toàn.
Thế nhưng, hợp đồng mà khách hàng ký với DH Group lại là hợp đồng vay vốn, khách hàng sẽ không được tham gia bất kỳ hoạt động nào, không thể nắm bắt được tình hình tài chính hay biết liệu những con số mà DH Group đưa ra có chính xác hay không.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu DH Group tuyên bố phá sản, khách hàng sẽ khó có thể đòi được khoản cho vay này, bởi lẽ theo quy định pháp luật, khách hàng - chủ nợ của DH Group cũng chỉ xếp thứ 3 trong thứ tự ưu tiên các khoản nợ mà DH Group phải trả khi doanh nghiệp này phá sản.
Như vậy, phải chăng DH Group đang có sự gian dối, thiếu trung thực với khách hàng trong việc lập lờ giữa hình thức hợp đồng với những quảng cáo của doanh nghiệp?
|
Từ đầu tháng 6, tỷ lệ lãi suất đã giảm còn 1,875% cho các khoản vay dưới 100 triệu đồng |
Cho DH vay, rủi ro khách hàng chịu?
Bên cạnh sự mập mờ trong lời quảng cáo, thì việc vay vốn của DH Group còn đặt ra thêm câu hỏi: trong nhiều phương thức để huy động vốn tốt hơn, tại sao DH Group lại chọn cách vay vốn từ các cá nhân khác?
Theo đó, hai trong số các hình thức huy động vốn thường được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất để phục vụ hoạt động đầu tư là vay vốn ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Cụ thể thì hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay vốn kinh doanh đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp, công ty phổ biến tại các ngân hàng ở mức 6,8 - 9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với nhóm khách hàng tốt là những doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, vay tiền đầu tư kinh doanh thì lãi suất thấp hơn ở mức 4 - 5%/năm cho vay ngắn hạn và 7 - 9% cho vay trung và dài hạn.
Như vậy, nếu vay vốn ngân hàng, DH Group chỉ phải trả cho ngân hàng lãi suất dưới 11%/năm thay vì phải trả cho khách hàng ký kết hợp đồng vay vốn đến hơn 20%/năm. Việc DH Group không thực hiện vay vốn ngân hàng có thể là do doanh nghiệp này không có tài sản thế chấp, hoặc không chứng minh được việc sử dụng vốn hiệu quả nên không được chấp thuận từ phía ngân hàng.
|
DH Group cam kết phân chia lợi nhuận và hoàn vốn cho khách hàng, nhưng liệu có thể tin tưởng được lâu dài? |
Trên thực tế, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng cũng là dễ hiểu. Từ đó, một số doanh nghiệp phải chuyển hướng phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút tiền đầu tư của người dân.
Với DH Group, doanh nghiệp này cũng có thể phát hành trái phiếu nhằm thu hút đầu tư. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Một cách hiểu khác thì trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận người sở hữu trái phiếu đang cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay. Nếu khách hàng mua trái phiếu do DH Group phát hành, lúc này khách hàng là chủ nợ của DH Group.
Có thể thấy, việc DH Group phát hành trái phiếu hay ký hợp đồng vay vốn với khách hàng đều dẫn đến kết quả là khách hàng trở thành chủ nợ của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, khách hàng còn được pháp luật bảo vệ, bởi nếu DH Group huy động trái phiếu của khách hàng rồi không thực hiện đúng theo cam kết, hợp đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, với hợp đồng vay vốn hiện đang được DH Group sử dụng, thì những quy định về trách nhiệm, quyền lợi của các bên sẽ do DH Group soạn thảo. Điều này giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn, thoải mái hơn trong việc trả nợ, tuy nhiên phía khách hàng lại chịu nhiều rủi ro hơn do thiếu đi sự giám sát chặt chẽ của các quy định pháp luật về trái phiếu.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp nói chung và DH Group nói riêng không nhất thiết phải huy động vốn bằng các phương thức trên, mà có thể huy động vốn thông qua việc hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết… Nhưng, như đã nói ở trên, thì DH Group cũng không lựa chọn các hình thức này mà chỉ đang vay vốn khách hàng.
Vậy, DH Group dựa vào đâu để đảm bảo việc trả lãi cho khách hàng lên đến hơn 20%/năm? Việc vay vốn - trả lãi của DH Group có phải tiền gửi đa cấp - dùng tiền người gửi trước để trả cho người gửi sau - ẩn chứa rất nhiều "vấn đề"?
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.