Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho hay, tính đến hết tháng 9/2018, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), bảo hiểm thất nghiệp đạt 25.063,3 tỷ đồng (bằng 63,9% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao).
Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 84,9% dân số. Dự kiến, hết năm 2018, BHXH thành phố. Hà Nội sẽ hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội giao là 85,3%.
Tính đến hết tháng 9/2018, số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 1.694 tỷ đồng, bằng 4,32% kế hoạch thu; giảm 423,2 tỉ đồng, tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017.
|
Ảnh minh họa. |
Nếu so sánh tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố, dù đã giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trên 300.000 người lao động về chế độ BHXH, BHYT.
Theo ông Hòa, nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp nợ BHXH vẫn cao là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động và người lao động chưa cao, thiếu tự giác; chế tài xử lý vi phạm hành chính về BHXH, BHYT còn hạn chế; việc áp dụng các quy định của Bộ Luật Hình sự còn gặp vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị, thời gian tới, cơ quan BHXH cùng các ngành liên quan cần tập trung xử lý các doanh nghiệp nợ số tiền bảo hiểm lớn, ảnh hưởng số lượng lao động đông. Công an TP Hà Nội có thể tiếp tục kiểm tra và xem xét xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm; tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động.