Đơn vị khai thác nợ đầm đìa, hầm Hải Vân nguy cơ bị cắt điện

Google News

Liên tục nhiều tháng, công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) không chi trả tiền điện khiến công trình này đối mặt nguy cơ bị cắt điện.

Theo nguồn tin của VietNamNet, ngày 26/10, Giám đốc công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng Ngô Tấn Cư đã gửi công văn cầu cứu Bộ trưởng GTVT về việc công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) chậm thanh toán tiền điện.
Công văn nêu, thời gian qua Điện lực Đà Nẵng luôn đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động vận hành của hầm đường bộ Hải Vân như hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, HAMADECO không chi trả tiền điện trong nhiều kỳ liên tiếp dù Điện lực Đà Nẵng liên tục có văn bản hối thúc.
Cụ thể hiện nay HAMADECO đang nợ gần 2,7 tỷ đồng tiền điện. Trong đó, kỳ 3 tháng 9/2018 nợ gần 700 triệu đồng, 3 kỳ tháng 10 nợ tổng cộng gần 2 tỷ.
Điện lực Đà Nẵng cho biết, nếu tiếp tục không chi trả, dự kiến tiền điện phát sinh từ nay đến 25/12 sẽ thêm chừng 4 tỷ đồng.
Don vi khai thac no dam dia, ham Hai Van nguy co bi cat dien
Công ty HAMADECO đã nợ điện lực Đà Nẵng gần 3 tỷ đồng và sẽ tiếp tục nợ thêm do phía chủ đầu tư chưa thanh toán phí vận hành 
Đến nay Điện lực Đà Nẵng đã ít nhất 3 lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán tiền điện nhưng HAMADECO vẫn không chi trả.
Hết tiền
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, lý do HAMADECO nợ đầm đìa tiền điện là bởi công ty CP đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án) không thanh toán chi phí vận hành khiến đơn vị không có nguồn thanh toán cho Điện lực Đà Nẵng.
Hôm 30/8, TGĐ HAMADECO Nguyễn Xuân Hưởng đã gửi công văn cho công ty Đèo Cả yêu cầu thanh toán tiền vận hành.
Hiện tại, công ty Đèo Cả mới chỉ thanh toán cho HAMADECO chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân đến quý 1/2018.
“Do công ty Đèo Cả chưa thanh toán phí quản lý vận hành nên HAMADECO gặp khó khăn trong hoạt động, không có nguồn để thanh toán cho điện lực”, công văn này nêu.
Ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho hay vừa làm việc với lãnh đạo công ty Đèo Cả. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Đèo Cả cho rằng gặp khó khăn về tiền, chưa có phương án nào để chi trả phí vận hành.
Don vi khai thac no dam dia, ham Hai Van nguy co bi cat dien-Hinh-2
Chủ đầu tư cho hay, mỗi năm chi phí vận hành, quản lý hầm đường bộ Hải Vân mất chừng 100 tỷ đồng 
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Minh Đức, Phó TGĐ công ty Đèo Cả, Giám đốc BQL dự án Hải Vân xác nhận đã làm việc với Điện lực Đà Nẵng để mong được chia sẻ khó khăn tài chính.
Ông Đức xác nhận đến thời điểm này, Đèo Cả mới chỉ thanh toán được cho HAMADECO phí quản lý vận hành đến quý 1/2018. Tổng chi phí vận hành hầm Hải Vân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng; chi trả số tiền này đang là “nhiệm vụ bất khả thi” của công ty.
Phía Đèo Cả đang làm việc với Bộ GTVT để giải quyết vướng mắc liên quan đến chi phí vận hành. Vướng mắc là theo hợp đồng BOT và phương án tài chính được Bộ GTVT duyệt cho dự án Đèo Cả, công ty sẽ được thu phí hoàn vốn tại trạm Nam Hải Vân và trạm La Sơn - Túy Loan (Đà Nẵng).
“Hiện nay, Bộ GTVT chưa thống nhất với nhà đầu tư nhưng đã báo cáo Chính phủ về việc đề nghị bỏ trạm La Sơn - Túy Loan, và chưa có phương án khả dĩ nào để bù đắp lại. Tiến độ dự kiến thu của trạm La Sơn-Túy Loan thì đã cận kề (1/1/2019 - PV)”, ông Đức cho hay.
Ông Đức cho biết thêm, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của hầm Hải Vân, nhà đầu tư không được thu hoàn vốn số tiền xấp xỉ 1.200 tỷ, đồng thời thu bù đắp khoản chi phí vận hành hầm Hải Vân, mỗi năm xấp xỉ 100 tỷ.
“Từ năm 2016, ban đầu Bộ GTVT giao cho nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý vận hành và ứng chi phí để chi trả cho hoạt động này. Đến giờ những thông số đầu vào đã bị thay đổi rất nhiều rồi, đồng thời nhà đầu tư không được thu phí tại trạm nam Hải Vân, dự kiến trạm La Sơn-Túy Loan cũng không được thu. Việc này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài chính của nhà đầu tư, không có nguồn để chi trả cho phí quản lý vận hành”, Phó TGĐ công ty Đèo Cả nói.
Trước mắt, công ty Đèo Cả mong muốn Điện lực chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, đồng thời với dự án, cũng đề nghị ngành điện có thêm tiếng nói gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ để có hướng tháo gỡ.
“Trường hợp Bộ GTVT không có giải pháp sớm tháo gỡ, và Điện lực kiên quyết xử lý theo điều khoản hợp đồng thì chúng tôi rất khó khăn”, ông Đức cho biết.
Theo Cao Thái/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)