Tiết lộ tư liệu ít người biết về cụ rùa Hồ Gươm

Google News

(Kiến Thức) - Từng có rất nhiều những tranh cãi xung quanh việc rùa Hồ Gươm là loài rùa nào, thuộc giống rùa nào, có phải là loài mới không. Các nhà nghiên cứu từng phải làm các loại xét nghiệm cần thiết, kể cả xét nghiệm ADN để tìm hiểu nguồn gốc loài rùa này.

Mới đây, Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) khẳng định đã tìm thấy thêm một cá thể rùa Hồ Gươm sống ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Đây là loài rùa có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường ngâm mình ở những vùng nước sâu.
Theo các nhà khoa học thế giới, rùa Hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus Swinhoei, là một loài rùa nước ngọt khổng lồ cực hiếm. Loài này được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ IUCN năm 2006.
Từng có rất nhiều những tranh cãi xung quanh việc rùa Hồ Gươm là loài rùa nào, thuộc giống rùa nào, có phải là một loài mới hay không. Sau khi Cụ Rùa hay rùa Hồ Gươm tạ thế, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Tiet lo tu lieu it nguoi biet ve cu rua Ho Guom
 Cá thể rùa Hồ Gươm khi còn sống.
PGS.TS. Hà Đình Đức và một số nhà khoa học kiên quyết khẳng định rùa Hồ Gươm là một loài mới, không phải là loài rùa mai mềm Thượng Hải, nhưng một số nhà khoa học trong và ngoài nước phản đối, yêu cầu phải có một sự nhìn nhận khách quan. Số nhà khoa học khẳng định rùa Hồ Gươm cùng loài với loài rùa mai mềm khổng lồ Thượng Hải chiếm đa số
Các nhà nghiên cứu về rùa có tầm vóc quốc tế này đã làm các loại xét nghiệm cần thiết, kể cả làm xét nghiệm ADN và khẳng định rùa Hồ Gươm cùng loài với loài rùa Thượng Hải, có tên khoa học là Rafetus Swinhoei.
Loài rùa Hồ Gươm được mô tả lần đầu tiên năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này.
Tạp chí Sinh học số ra tháng 6/2011 đăng bản dịch nguyên bản từ tiếng Anh bài báo của các tác giả Balázs Farkas, Le Duc Minh & Nguyen Quang Truong công bố trên Tạp chí Russian Journal of Herpetology phản biện về vấn đề phân loại học của loài Rùa Hồ Gươm ở Việt Nam của nhóm tác giả Lê Trần Bình và những người khác công bố trên Tạp chí Công nghệ Sinh học. Phần tóm tắt bài báo nêu “do Lê Trần Bình và cộng sự không đưa ra được các đặc điểm xác đáng để có thể phân biệt được loài mới R. vietnamensi với loài đã biết R.swinhoei (rùa ở hồ Đồng Mô và hai cá thể ở Trung Quốc) nên chúng tôi khẳng định hai loài này là một”.

Mời quý vị xem hình ảnh: Hình ảnh về giống rùa Hồ Gươm

Bài báo phân tích gen năm 2013 của tác giả Lê Đức Minh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội đăng trên tạp chí Organisms biodiversity & Evolution chỉ ra những mẫu vật ghi nhận về loài rùa này gồm mẫu rùa Hoàn Kiếm (mẫu lấy từ cụ rùa trong đợt cứu chữa năm 2011), mẫu rùa Đồng Mô, mẫu rùa tại Yên Bái, Phú Thọ, Ba Vì và mẫu 02 mẫu rùa bên Trung Quốc đều cùng loài và là loài Rafetus swinhoei. Sự khác biệt về gen ở những mẫu vật này là rất nhỏ, không đủ căn cứ để phân loại ra loài mới.
Rùa Hồ Gươm có kích thước khá lớn, đầu tương đối nhỏ và rộng, mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn, lưng màu vàng lục có những đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Mai rùa mềm chứ không cứng như loài rùa thông thường.
Rùa Hồ Gươm chậm chạp, hiền lành, thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Khi trời nóng thường hay ngóc cổ lên khỏi mặt nước để thở. Mùa đông thỉnh thoảng phơi nắng.
Rùa Hồ Gươm hay Cụ Rùa Hồ Gươm đã qua đời ngày 19/1/2016. Hiện xác Cụ Rùa được chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) để nghiên cứu và bảo quản.
Lưu Thoa

>> xem thêm

Bình luận(0)