Vào năm 1957, các nhà khảo cổ học ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã có một phát hiện gây chấn động. Đó là khai quật một ngôi mộ cổ vô cùng bí ẩn thuộc triều đại nhà Tùy.
Chủ nhân của ngôi mộ này là Lý Tịnh Huấn, cháu ngoại của Dương Lệ Hoa (561 - 609), một hoàng hậu của Bắc Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân, về sau là Lạc Bình công chúa của nhà Tùy.
Lý Tịnh Huấn là cháu ngoại được Dương Lệ Hoa vô cùng yêu quý. Chính vì vậy, khi Lý Tịnh Huấn qua đời chỉ khi mới 9 tuổi, vì quá bất ngờ và đau lòng vì cái chết của cháu gái yêu, hoàng hậu Dương Lệ Hoa đã ra lệnh chôn cất cô bé rất trang trọng với nhiều đồ tùy táng quý giá.
Đến khi phát hiện trên nắp của chiếc quách có 4 chữ là "khai giả tức tử", có nghĩa là mở ra sẽ chết, các nhà khảo cổ đều vô cùng kinh ngạc. Theo các chuyên gia, 4 chữ này dường như là lý do giúp ngôi mộ cổ thuộc hoàng tộc Bắc Chu này có thể tồn tại hơn 1.400 năm mà không hề bị trộm mộ tấn công.
Chén bạch ngọc được chạm khắc một cách tỉ mỉ, toàn thân nhẵn nhụi, quanh miệng được khảm vàng. Do đó, dù không được trang trí một cách cầu kỳ, cái chén quý này vẫn trông vô cùng thu hút. Hơn nữa, chất lượng ngọc cao cấp với ánh sáng dịu nhẹ, kiểu dáng thanh lịch khiến cái chén cổ trông rất cao quý, trang nhã và phi thường.
Từ cái chén bạch ngọc khám vàng này, có thể thấy nhà Tùy có kỹ thuật chế tác ngọc rất tinh xảo. Cái chén hơn 1.400 năm tuổi đã trở thành một trong những cổ vật bằng ngọc tiêu biểu trong triều đại nhà Tùy.
Vượt qua khuôn khổ sản xuất ngọc thông thường
Theo các chuyên gia, triều đại nhà Hán là thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất ngọc ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi nhà Đông Hán sụp đổ, từ thời Ngụy, Tấn và nhà Đường, sự phát triển của các sản phẩm bằng ngọc đã đi vào giai đoạn thoái trào. Bởi thực tế các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít đồ vật bằng ngọc trong những thời kỳ trên.
Thay vào đó, có không ít các đồ trang sức bằng vàng và bạc được tìm thấy. Các nhà khảo cổ học cho biết, dù tìm được ít, nhưng có thể nhận thấy việc sản xuất các đồ vật bằng ngọc sau triều đại nhà Hán có khuynh hướng chuyển từ đồ dùng để tùy táng sang những vật dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Cái chén bạch ngọc quý giá trên rõ ràng đã thoát khỏi khuôn khổ của quy trình sản xuất ngọc thời nhà Hán và phát triển theo hướng trở thành một đồ dùng thiết thực hàng ngày. Theo nhận định của các chuyên gia, vào thời triều Bắc Chu và nhà Tùy, những đồ vật được khảm viền vàng như trên là rất hiếm. Việc khảm vàng giúp nâng tầm giá trị của cái chén ngọc lên rất nhiều. Chén ngọc được khảm vàng không chỉ làm cho độ tương phản màu sắc trở nên sắc nét mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm thị giác cho mọi người.
Chén bạch ngọc khảm vàng được chế tác với ngụ ý "kim ngọc mãn đường", có nghĩa là "vàng ngọc đầy nhà". Đây là một biểu tượng của tài lộc dồi dào, đồng thời cũng gửi gắm lời chúc tốt đẹp đến người sở hữu với mong muốn người đó luôn có cuộc sống sung túc và no đủ.
Cái chén tuy nhỏ bé nhưng vô cùng có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều này cũng cho thấy tình cảm của hoàng hậu Dương Lệ Hoa dành cho đứa cháu gái yêu quý của bà.
Chén bạch ngọc khảm viền vàng hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.