Không giống những loài bạch tuộc khác, trong đó con cái có thói quen đáng sợ là ăn thịt bạn tình trong lúc ân ái, các con bạch tuộc sọc lớn Thái Bình Dương giao phối bằng cách áp miệng và xúc tu của chúng vào nhau, trông như đang thực hiện một nụ hôn say đắm.
Loài bạch tuộc này cũng có thể biến màu cơ thể từ đỏ sẫm sang đốm và sọc trắng – đen. Chúng cũng có thể biến hình từ dẹt sang trương nở.
Các sinh vật biển hiếm gặp hiện đang được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng tại Viện Khoa học California ở San Francisco, Mỹ từ ngày 6/3.
“Tôi cảm thấy vui mừng vì các du khách thăm viện sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng loài động vật xinh đẹp này thật gần trong bể nuôi. Họ sẽ thấy và hiểu tại sao kỹ thuật giao phối ấn tượng, độc nhất vô nhị cũng như các tập tính cộng đồng của chúng lại lôi cuốn các nhà nghiên cứu động vật chân đầu”, Richard Ross, nhà sinh vật học thuộc Viện Khoa học California, bày tỏ.
Bạch tuộc được biết đến như sinh vật có nhiều “chiêu trò” khôn ngoan, kể cả vô số cách ngụy trang khác nhau. Chẳng hạn như, loài bạch tuộc xúc tu dài Thái Bình Dương (tên khoa học là Macrotritopus defilippi) có khả năng bắt chước cá bơn bằng cách bơi về phía trước với các xúc tu trôi theo phía sau như vây cá bơn. Chúng thậm chí còn làm méo mó cơ thể mềm mại của mình để cả hai mắt dịch chuyển sang bên trái giống như cá bơn. Và loài bạch tuộc bắt chước, Thaumoctopus mimicus, có thể thay đổi màu sắc và hình dạng theo ý muốn, giả trang thành mọi đối tượng từ rắn biển, cua khổng lồ tới cá đuối gai độc.
Bạch tuộc sọc lớn Thái Bình Dương được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1991 nhưng gần như đã bị quên lãng suốt hơn một thập kỷ. Loài sinh vật này vẫn còn mới đối với giới nghiên cứu đến mức chúng vẫn chưa có danh pháp khoa học.
Không giống các loài bạch tuộc khác, các con cái thuộc loại sọc lớn Thái Bình Dương sẽ sống thêm nhiều năm để đẻ nhiều lứa trứng nữa, thay vì chết sau 1 lần sinh nở duy nhất.
Mặc dù các nhà khoa học hiện không biết nhiều về những điều kiện sống tự nhiên của chúng, bạch tuộc sọc lớn Thái Bình Dương được tin là sống thành nhóm lớn với 40 con bạch tuộc khác cùng loài. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đưa thêm nhiều cá thể bạch tuộc vào bể nuôi để tìm hiểu về sự thay đổi hành vi của chúng ở những cộng đồng sống đông đúc hơn.