Nhện đi đến đâu giăng tơ đến đó với mục đích để bắt mồi. Những loài côn trùng như sâu, bướm, ruồi, muỗi nếu mắc phải tơ nhện thì không còn nước thoát thân. Chúng sẽ trở thành bữa ăn tuyệt vời cho nhện.
Mặc dù tơ nhện có chất dính kỳ lạ như vậy nhưng bản thân nhện không bao giờ bị mắc phải những chiếc mạng do chúng giăng ra.
Ảnh minh họa.
Các giả thuyết trước đây cho rằng chân loài nhện được bao phủ bởi một loại màng không dính và chúng đi bằng đầu các ngón chân trên bẫy của mình. Tuy nhiên, khi quan sát qua kính hiển vi để tìm hiểu về sự di chuyển của nhện, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chúng đi chuyển kiểu 3 bước.
Đầu tiên, các chân được bao phủ bởi hàng trăm sợi lông nhỏ để giảm diện tích bề mặt mà lưới có thể dính vào. Thứ hai, loài nhện sử dụng các kĩ thuật di chuyển rất khéo léo khiến cho chỗ mạng bị mắc có thể trượt ra một cách dễ dàng. Thứ ba, các sợi lông ở trên chân loài nhện được bao phủ bởi một lớp hóa chất đặc biệt để lớp dính trên lưới không bị bám vào.
Khi nhìn qua kính hiển vi, các nhà khoa học thấy rằng chỉ có đầu của mỗi ngón chân nhện trên sợi tơ mà thôi. Tuy nhiên, dù cẩn thận tới mấy thì chân của chúng vẫn bị dính một chút chất dính được tạo ra từ sợi tơ. Chính vì vậy mà nhện luôn “chải chuốt” rất kỹ. Chúng ngậm từng ngón chân vào miệng để kéo tất cả những sợi tơ bị dính, những mảnh vụn để chắc chắn rằng cơ thể không có chất dính nào. Như thế, nhện sẽ không bao giờ bị mắc vào tấm lưới của mình.
Bên cạnh đó, không phải sợi tơ nhện nào cũng có chất dính. Chỉ có các sợi xoắn ốc mới mang chất kết dính còn sợi tơ xung quanh trung tâm màng tơ thì lại không hề bị dính. Khi giăng tơ, loài nhện đã ghi nhớ và sử dụng các sợi tơ này như con đường để đi xung quanh màng tơ mà không lo bị mắc kẹt trong đó.
Bằng cách nghiên cứu kĩ các hóa chất bao phủ trên lông ở chân nhện, con người sẽ phát triển ra các chất chống dính tốt hơn. Các kết quả sẽ được áp dụng phần lớn vào thế giới côn trùng và giúp tạo một hệ thống thoát khỏi lưới nhện mang tính sinh tồn.