1. Tàu lượn siêu tốc
Doanh nhân LaMarcus Thompson, cảm thấy phiền lòng khi người Mỹ thường đến những nơi như rạp hát và nhà thổ để giải trí. Vì vậy, ông đã tạo ra tàu lượn siêu tốc đầu tiên trên đảo Coney để hướng người Mỹ tìm đến những thú vui lành mạnh hơn. Tàu lượn Switchback Railway tại đảo Coney, ra mắt vào ngày 16 tháng 6 năm 1884.
Chức năng chính của tàu lượn là để giải trí và vui chơi. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp khi tàu lượn siêu tốc đầu tiên được thiết lập ở Mỹ bởi LaMarcus Thompson.
Ông là một doanh nhân đã thành công nhờ phát minh và được cấp bằng sáng chế cho một thiết bị sản xuất hàng dệt kim liền mạch. Sau khi nghỉ hưu và trong một chuyến đi đến những ngọn đồi ở Pennsylvania, Thompson đã cảm thấy rất lo lắng.
Lo lắng của ông là thế này: Người Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự giàu có và quá trình đô thị hóa phổ biến trong nước. Ông muốn đồng bào của mình bớt "ăn chơi sa đọa".
Do đó, ông đã nghĩ ra một giải pháp khi thấy mọi người đi trên những toa tàu khai thác để mua vui. Một chuyến đi giải trí; một lựa chọn giải trí vô tội thay cho nhà hát và nhà thổ.
Vào ngày 16 tháng 6 năm 1884, Thompson đã "trao" cho nước Mỹ chiếc tàu lượn siêu tốc đầu tiên của mình mang tên The Switchback Railway. Nó được mở tại Đảo Coney, ở Brooklyn, New York.
2. Chữ nổi
Braille ban đầu không được phát minh cho người mù. Charles Barbier đã phát triển tiền thân của chữ nổi Braille, một hệ thống chữ viết có dấu chấm nổi lên, còn được gọi là “chữ viết ban đêm” để cho phép binh lính Pháp đọc các thông điệp chiến đấu trong bóng tối mà không cần sử dụng đèn.
Vào đầu những năm 1800, quân đội Pháp của Napoléan Bonaparte đã bị thiệt hại khá nhiều quân số chỉ vì một lý do đơn giản - họ không thể đọc được những mệnh lệnh chỉ huy trong bóng tối. Vì vậy, để đọc các thông điệp chiến đấu vào ban đêm, họ đã sử dụng đèn. Thế nhưng ánh sáng từ những ngọn đèn đã làm lộ vị trí của họ cho kẻ thù và điều này cũng khiến cho rất nhiều binh lính thiệt mạng.
Để giải quyết tình huống này, Charles Barbier, một cựu binh của quân đội Pháp, đã phát minh ra "chữ viết ban đêm". Ý tưởng là phát triển một hệ thống ký tự, trong đó chữ viết có thể được đọc trong bóng tối bằng cách chạm đầu ngón tay thay vì mắt. Điều này đã giúp những người lính có thể đọc trong bóng tối mà không cần đèn.
Mặc dù phương pháp này đã giúp bảo toàn được quân số, nhưng hệ thống này có một nhược điểm. Mỗi ô chứa 12 chấm, và không thể cảm nhận được hết tất cả những chấm này trên đầu ngón tay chỉ bằng một lần chạm.
Sau đó, vấn đề đã được giải quyết bởi một cậu bé mù - Louis Braille. Cậu đã sửa đổi ô 12 chấm của Barbier thành ô 6 chấm và lúc này mọi người có thể đọc bằng một lần chạm đầu ngón tay, từ đó tốc độ đọc cũng tăng lên đáng kể.
3. Xe đạp
Xe đạp được phát minh bởi Nam tước Karl von Drais vì thiếu ngựa. Sau khi núi Tambora ở Indonesia phun trào, Bắc bán cầu phải đối mặt với những biến đổi khí hậu nghiêm trọng, mất mùa và chết đói của động vật bao gồm cả ngựa.
Năm 1816, thế giới phải đối mặt với những bất thường nghiêm trọng về khí hậu và nhiệt độ toàn cầu giảm. Đây là ảnh hưởng trực tiếp của vụ phun trào núi Tambora ở Indonesia vào năm 1815.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra tình trạng thiếu lương thực do mất mùa, gia súc chết đói.
Ngựa, loài vật quan trọng đối với hệ thống giao thông thời đó, đã chết khá nhiều vì thiếu thức ăn. Điều này tạo ra sự thiếu hụt ngựa, thúc đẩy nhà phát minh người Đức Baron Karl von Drais phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Năm 1817, ông đã thành công trong việc phát minh ra một phương tiện giao thông cơ khí chạy bằng sức người thay vì ngựa. Chúng được gọi là "hobby horses", nguyên mẫu đầu tiên của xe đạp hiện đại. Không có bánh răng và bàn đạp, chiếc xe này có hai bánh bằng gỗ, nặng 23kg, chúng vận hành bằng cách được người lái đẩy về phía trước bằng chân của họ.
4. Sữa đặc
Trước năm 1856, không có phương pháp nào để bảo quản sữa. Theo thông lệ thời đó, trên các con tàu sẽ có những con bò để sản xuất sữa tươi cho hành khách, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, trong một lần Gail Borden, cựu khảo sát viên và biên tập viên trở về trên một con tàu từ Hội chợ Thế giới London năm 1851, những con bò trên tàu đã bị say sóng. Sau đó, chúng bị nhiễm trùng và chết, sữa của chúng cũng bị nhiễm khuẩn, và những đứa trẻ uống phải sửa của những con bò này cũng bỏ mạng theo.
Kinh hoàng trước sự việc, Borden quay trở lại New York và bắt đầu thử nghiệm các cách bảo quản sữa trong tầng hầm của mình. Thế nhưng hầu hết thử nghiệm của ông đều thất bại.
Thế nhưng cuối cùng ông ta đã tìm ra giải pháp sau chuyến thăm một thuộc địa của Shaker. Tại đó, ông quan sát thấy Shaker khử nước trong trái cây bằng cách đun sôi chúng trong chảo chân không.
Sau khi trở về, ông cũng làm như vậy với sữa. Kết quả là sữa tuy bị giảm mùi vị nhưng vẫn giữ được màu sắc. Ngoài ra, sử dụng phương pháp này, sữa có thể được bảo quản lâu hơn.
Sau khi tinh chỉnh và cải tiến chảo chân không công nghiệp của mình trong ba năm, cuối cùng ông đã được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm vào năm 1856.
5. Băng vệ sinh Kotex
Giống như một số sản phẩm khác lần đầu tiên được tung ra thị trường vào những năm 1920, băng vệ sinh Kotex bắt nguồn từ một phát minh thời chiến. Kimberly-Clark, một công ty sản xuất sản phẩm giấy của Mỹ được thành lập vào những năm 1870, đã sản xuất loại băng này từ vật liệu gọi là "Cellucotton" cho Thế chiến I. Cellucotton, được làm bằng bột gỗ, thấm nước gấp 5 lần băng bông nhưng rẻ hơn nhiều.
Năm 1919, khi chiến tranh kết thúc, các giám đốc điều hành của Kimberly-Clark bèn tìm ra cách để có thể sử dụng Cellucotton trong thời bình. Và sau đó đã tự sản xuất băng vệ sinh dành cho phụ nữ, và hộp băng vệ sinh Kotex đầu tiên được bán vào tháng 10 năm 1919 tại cửa hàng bách hóa Woolworth ở Chicago.