Cá mập yêu tinh là loài động vật biển sâu với hàm răng nhô ra đáng sợ, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho loạt phim Quái vật không gian.
Thông tin về loài cá mập này vô cùng ít ỏi và việc nhìn thấy chúng qua hiếm hoi. Được biết, chúng sống chủ yếu ở vùng nước sâu ven biển trên khắp thế giới nhưng chưa bao giờ được tìm thấy ở vùng biển Địa Trung Hải.
Thế nhưng gần đây, một nhóm nhà khoa học đã công bố về sự xuất hiện của một con cá mập yêu tinh dạt vào bờ biển Hy Lạp, theo New York Times.
Báo cáo về phát hiện này vào năm ngoái trên tạp chí Khoa học Hàng hải Địa Trung Hải đã dẫn đến loạt diễn biến kỳ lạ - cũng không kém gì chính loài cá mập yêu tinh - từ cạnh tranh trong giới, đến việc phải rút lại nghiên cứu hay khả năng tất cả ồn ào là do một món đồ chơi nhựa của trẻ em.
"Nó trông không ổn chút nào"
Theo bài báo ban đầu, cá mập yêu tinh Địa Trung Hải được phát hiện bởi một người đàn ông tên Giannis Papadakis vào tháng 8/2020.
Sau khi tìm thấy con vật siêu hiếm gặp, ông Papadakis đã đặt con cá lên tảng đá và chụp một bức ảnh. Bức ảnh đã đến tay nhóm nhà khoa học địa phương, và 2 năm sau, họ công bố nó cùng với hồ sơ về các loài khác lần đầu tiên được tìm thấy ở Địa Trung Hải.
Bài báo có thể coi là một đột phá trong cộng đồng khoa học, bao gồm cả những người không được đào tạo chính quy đang hỗ trợ nghiên cứu. Nhưng không lâu sau đó, các chuyên gia về cá mập trên khắp thế giới bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ, trong một nhóm Facebook, về tính xác thực của cá mập yêu tinh.
|
So sánh mẫu vật cá mập yêu tinh tìm thấy trên đảo Anafi, Hy Lạp (trên) và một cá thể cái chưa trưởng thành được tìm thấy ở Nhật Bản (dưới). Ảnh: New York Times.
|
Tiến sĩ David Ebert, tác giả của cuốn sách Sharks of the World nhận định: “Nó trông không ổn chút nào”.
Ông cho rằng cho biết con cá mập được tìm thấy ở Hy Lạp khá bất bình thường. “Nó quá nhỏ và mang của nó trông không giống như đang thực sự mở ra”, ông nói. “Trông không tự nhiên chút nào”.
Tiến sĩ Ebert và những người khác đặt nhiều nghi vấn khi chưa có bất kỳ kiểm chứng trực tiếp nào về con cá mập. Bài báo chỉ dựa trên một bức ảnh và mô tả ngắn gọn do ông Papadakis cung cấp.
Vào tháng 11/2022, một nhóm các nhà nghiên cứu về cá mập đã xuất bản một bài bình luận liệu con cá mập yêu tinh được tìm thấy ở Hy Lạp có thật là động vật hay không.
Họ viết: “Chúng tôi nghi ngờ khẳng định trong bài báo gốc rằng con cá mập “là một mẫu vật tự nhiên”. Họ chỉ ra mẫu vật không có răng, vây quá tròn và ít khe mang không phải là đặc điểm của cá mập yêu tinh.
|
Đầu một con cá mập yêu tinh được trưng bày ở bảo tàng tại Australia. Ảnh: Museum Victoria.
|
Ngay sau đó, một hình ảnh khác được chia sẻ trên mạng xã hội khiến sự việc lên đến đỉnh điểm. Đó là một con cá mập đồ chơi bằng nhựa được bán bởi một công ty đồ chơi Italy, DeAgostini, có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với con cá mập yêu tinh được tìm thấy ở Hy Lạp.
DeAgostini, nhà sản xuất đồ chơi, từ chối đưa ra bình luận.
Jürgen Pollerspöck, một nhà nghiên cứu cá mập độc lập và là tác giả của bài báo trình bày những nghi ngờ về tính xác thực của cá mập yêu tinh Hy Lạp, cho biết món đồ chơi này “cho thấy sự tương đồng lớn với mẫu vật trong hình ảnh được công bố”.
Rút bài báo
Hối đầu tháng 3 vừa qua, các tác giả của bài báo gốc đã cứng rắn hơn, khẳng định tuyên bố ban đầu của họ và phản hồi những lo ngại của ông Pollerspöck và đồng nghiệp. Họ sửa đổi ước tính kích thước từ khoảng 76 cm thành khoảng 18 cm và cho rằng con cá mập yêu tinh được đề cập có thể là một phôi thai.
Ông Pollerspöck trả lời: “Phôi với kích thước thế này không thể tồn tại được”.
Liền sau đó, các tác giả bài báo gốc đã rút lại tuyên bố, cũng như thừa nhận có quá nhiều điều không chắc chắn về phát hiện này. Đây là kết thúc cho câu chuyện kéo dài gần một năm khiến nhiều “thám tử cá mập” phải nheo mắt nhìn vào màn hình máy tính.
Ông Pollerspöck cho biết có thể cá mập yêu tinh đang ẩn nấp dưới đáy biển Địa Trung Hải. Tuy vậy, chưa có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh điều đó.
|
Các chuyên gia cho rằng tuyên bố trên bài báo chỉ dựa trên hình ảnh do một nhà nghiên cứu nghiệp dư cung cấp cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Ảnh: Giannis Papadakis.
|
Cho dù con cá mập được tìm thấy là một con cá thật hay chỉ là một mảnh nhựa phế liệu, các nhà phê bình cho rằng việc công bố hình ảnh này trên tạp chí khoa học chỉ để thu hút sự chú ý đã làm ảnh hưởng uy tín của quy trình bình duyệt khoa học.
“Theo tôi, vấn đề và trách nhiệm thuộc về những người biên tập và kiểm tra”, ông Pollerspöck nói.
Ông cũng cho biết vẻ ngoài bất thường của con cá mập không phải là thứ duy nhất mà người duyệt nên nhìn thấy. Tuyên bố trên bài báo chỉ dựa trên một hình ảnh do một nhà nghiên cứu nghiệp dư cung cấp cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Biên tập viên của Khoa học biển Địa Trung Hải từ chối bình luận về vấn đề này.
Sau khi biết về bức ảnh món đồ chơi, tiến sĩ Ebert chia sẻ ông không ngạc nhiên nếu điều tương tự lại xảy ra, do vấn đề trong đánh giá ngang hàng và tỷ lệ ô nhiễm nhựa ở biển.
“Mọi thứ đều có thể xảy ra”, tiến sĩ Ebert cho hay.