Trong những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về tình trạng đàn bò lai bò tót trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” gầy trơ xương, dấu hiệu suy kiệt do không được cho ăn đủ chất. Ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Công nghệ (đơn vị quản lý tạm thời đàn bò tót lai của dự án) nhận trách nhiệm một phần thuộc về đơn vị. Theo ông Chương, khi dự án nghiên cứu tạm dừng, đơn vị không có nguồn vốn, chỉ trích được 10 triệu đồng/tháng từ quỹ tiết kiệm của cơ quan để mua cỏ cho bò ăn và thuê 1 người dân trông coi. Việc thiếu các điều kiện chăm sóc khác như ăn cỏ tươi, chăn nuôi tự do, có nhân viên thú y giám sát thường xuyên… là lý do chính khiến đàn bò tót lai thời gian qua gầy đi rất nhiều so với khi dự án đang triển khai.
|
Đàn bò tót lai mang nguồn gen quý hiếm gầy trơ xương, suy dinh dưỡng nặng. |
Theo ông Nguyễn Công Vân – Giám đốc Vườn Quốc Gia Phước Bình, do thiếu hụt thức ăn, nguồn rơm khô không đủ dưỡng chất, vật dụng chứa thức ăn, nước uống cho bò mục nát, hư hỏng, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo, đất trồng cỏ và không gian dành cho bò vận động rất hạn hẹp…nên đàn bò tót lai suy kiệt sức khỏe, teo tóp dần.
Để giải cứu đàn bò tót lai, bảo tồn nguồn gen F1 quý hiếm, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định bàn giao đàn bò tót lai gồm 11 con, cùng các tài sản có liên quan thuộc dự án "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình, thuộc UBND tỉnh Ninh Thuận.
Sau khi tiếp nhận, Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng nguồn kinh phí, phân công hai nhân viên chuyên trách chăn nuôi, thú y tập trung chăm sóc, cung cấp thức ăn giàu dưỡng chất như cỏ tươi, cám, ngũ cốc… để giải cứu đàn bò tót thoát khỏi tình trạng suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng. Về định hướng lâu dài sẽ di dời đàn bò tót lai về Vườn Quốc gia Phước Bình để nuôi dưỡng trên diện tích quy hoạch 5 ha, có tán cây rừng từ nhiên, không gian rộng mở, đảm bảo nguồn thức ăn tươi, giàu dưỡng chất… Theo ông Vân, muốn đàn bò tót lai trở lại khỏe mạnh như ban đầu phải cần đến nguồn kinh phí đủ lớn. Đơn vị đã gửi công văn đến Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét cấp 270 triệu đồng để phục hồi sức khỏe đàn bò.
|
Bò tót cha khi còn sống với ngoại hình, sức vóc vượt trội. |
"Chúng tôi đã tính toán rất kỹ các khẩu phần thức ăn tinh, thô, xanh để đảm bảo, kể cả đồng cỏ để đảm bảo nguồn cỏ và tiền chi phí chăm sóc thuê bên ngoài, gồm cả chăm sóc y tế. Dự trù mỗi tháng cần khoảng 100 triệu đồng, tôi cam đoan 5 - 6 tháng là phục hồi gần như nguyên trạng. Còn khi đàn bò đã hồi phục thì cần phải có định mức cụ thể, chi tiết hơn, bởi việc nuôi đàn bò sẽ kéo dài trong nhiều năm tới chứ không phải ngắn hạn" - ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc Gia Phước Bình cho biết.
Trước đó vào giữa năm 2008, một con bò tót giống đực có trọng lượng ước chừng 1 tấn đã rời rừng, xuôi về địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái rồi hòa nhập, sinh sống cùng đàn bò lai của nông dân địa phương đang thả rông trên nương rẫy đồng bào dân tộc Raglai bên chân núi Tà Nin. Đến đầu tháng 3/2015 con bò tót nêu trên đã chết nương rẫy, nhưng những cuộc giao phối sau hơn 6 năm chung sống với đàn bò lai của nông dân địa phương, đã có hơn 20 con bò tót lai F1 sinh sản, tất cả đều có vóc dáng, trọng lượng và đặc điểm giống như bò tót rừng.
Trong tự nhiên, tỷ lệ để có được sự kết giao giữa bò tót rừng và bò nhà là rất thấp. Về lý thuyết, 2 cá thể cùng loài khác giống vẫn có thể giao phối để sinh sản nhưng xác suất để hoà hợp 2 bộ gen vẫn khá nhỏ, chưa kể đến việc cá thể con con phần lớn sẽ không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản khó, vì thế 20 cá thể bò tót lai F1 này là nguồn gen rất quý. Bên cạnh đó, tinh hoàn của bò tót cha vẫn đang được bảo quản tốt để cho việc thụ tinh nhân tạo.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về khả năng sinh sản của bò tót lai nhằm tìm ra hướng thích hợp cải tạo chất lượng đàn bò thịt Việt Nam. Tuy nhiên, những con bò là con lai (F1) giữa bò tót và bò nhà nhiều lần giao phối với nhau đều không thụ thai. Trong khi đó, một con đực F1 thoát đàn ra giao phối với bò cái của người dân địa phương đã cho ra đời một con lai F2. Dự án đã mua con F2 này đưa vào nuôi trong trại thực nghiệm.
|
Bò tót lai F1 thời còn khoẻ mạnh với đặc điểm hình dáng giống với bò tót rừng. |
Được biết, đàn bò gầy trơ xương này từng được ông Nguyễn Văn Vinh Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nuôi dưỡng. Khi dự án kết thúc vào tháng 11/2019, cả 11 con bò tót lai được Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng thuê ông Nguyễn Văn Vinh tiếp tục nuôi giữ. Tuy nhiên, do dự án kết thúc, kinh phí không còn nên đàn bò chỉ được ăn rơm và uống nước dẫn đến suy dinh dưỡng như hiện nay.
Trước tình trạng trên, có không ít ý kiến cho rằng nên xã hội hoá, giao khoán hoàn toàn loại bò này cho người dân nuôi dưỡng trong gia đình để bảo vệ nguồn gen cũng như đảm bảo bò được nuôi dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, về mặt khoa học, điều này chưa phải là tối ưu nhất. Để nuôi dưỡng, bảo tồn nguồn gen của một loài nói chung, cần phải có sự vào cuộc của các các ngành, có sự tham mưu và cố vấn của khoa học trong nuôi dưỡng từ vấn đề khẩu phần ăn, dinh dưỡng, thú y... trong khi không phải người dân nào cũng có đủ kiến thức như vậy.
Về mặt di truyền, để bảo vệ bộ gen quý một cách tốt nhất, cần tránh việc giao phối ngẫu nhiên, hạn chế tối đa về việc giao phối cận huyết. Để làm được điều này, cần lập cây gia phả và theo dõi rất cụ thể, nghiêm ngặt. Trong thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện khá nhiều những động vật kì lạ, đều là sản phẩm của giao phối cận huyết, đột biến... Trong thời gian này, khi những cá thể mang nguồn gen chưa nhiều, việc nuôi dưỡng đàn bò này nên thuộc về những nhà khoa học, nhà bảo tồn. Khi việc nuôi và nhân giống có kết quả, các nhà khoa học có thể bàn giao lại cho các hộ gia đình nông dân nuôi với hình thức chăn thả như bò nhà.