Ngoài nghe gọi, điện thoại thông minh còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chúng được sử dụng để lưu trữ thông tin cá nhân và để truy cập tài khoản ngân hàng. Do đó, không chỉ có máy tính, đây cũng là thiết bị rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của các tin tặc.
Mặc dù các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã thiết kế và tăng cường các giải pháp bảo mật trên sản phẩm của họ nhưng điều này không có nghĩa là chúng có thể ngăn chặn tất cả các hoạt động không mong muốn.
Đây là 8 lý do tại sao điện thoại của bạn có thể không an toàn như bạn nghĩ.
1. Điện thoại không được cập nhật
Các bản cập nhật điện thoại thông minh cần được cài đặt thường xuyên. Tin tặc luôn tìm ra các lỗ hổng mới và mục đích chính của các bản cập nhật là để sửa các lỗ hổng này khi chúng được phát hiện. Nếu điện thoại của bạn không được cập nhật, nó sẽ không tự bảo vệ khỏi sự cố này.
Một số người sử dụng điện thoại đời cũ, nhiều trong số đó đã không còn được nhà sản xuất cung cấp các bản cập nhật bảo mật nữa. Do đó, một chiếc smartphone lỗi thời sẽ gặp phải các nguy cơ liên quan đến bảo mật cao hơn.
2. Ứng dụng có chứa các phần mềm độc hại
Bạn có thể cho rằng việc tải ứng dụng trên App Store hay Google Play là an toàn, giúp bạn tránh được các ứng dụng độc hại. Tuy nhiên, sự thật là ngay cả những nền tảng này cũng không hoàn hảo.
Đôi khi, các ứng dụng độc hại được phê duyệt và do sự phổ biến của các nền tảng này, chúng đã được sử dụng nhiều trước khi bị xóa.
Sẽ rất khó tránh được vấn đề này, nhưng bạn có thể bảo vệ điện thoại của mình bằng cách chỉ tải xuống các ứng dụng nổi tiếng và gỡ cài đặt bất kỳ thứ gì bạn không cần đến nữa.
3. Các ứng dụng lớn cũng có thể không tôn trọng quyền riêng tư của người dùng
Nhiều ứng dụng phổ biến cũng không tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Đây có thể không phải là vấn đề đối với tất cả người dùng nhưng nếu bạn coi trọng quyền riêng tư của bản thân, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn một cách cẩn thận các ứng dụng mà bạn cài đặt trên điện thoại.
Bất kỳ ứng dụng nào xuất hiện trên CH Play hoặc App Store đều phải liệt kê những thông tin mà nó thu thập. Tuy nhiên, nhiều người dùng không để ý đến thông tin này và đưa ra quyết định tải xuống nhanh chóng. Nhiều ứng dụng cho phép bạn sử dụng miễn phí đơn giản vì chúng đang thu thập thông tin cá nhân của chính bạn.
4. Các ứng dụng không rõ nguồn gốc được cài đặt trên điện thoại
Nếu bạn tải xuống ứng dụng từ các nguồn không chính thức, bạn có thể trở thành “đồng phạm” tiếp tay cho phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại của mình. Các cửa hàng ứng dụng chính thức không hoàn hảo, nhưng bạn sẽ được đảm bảo ở một mức độ bảo vệ nhất định mà nó sẽ không được cung cấp ở những nơi khác.
Nếu ai đó muốn quảng cáo một ứng dụng độc hại, thì việc đưa ứng dụng đó được chấp nhận vào một nguồn chính thức là rất khó và hầu hết các lần thử đều thất bại. Do đó, nhiều tội phạm mạng sử dụng các nguồn không chính thức để phát tán mã độc, phần mềm nguy hiểm.
5. Điện thoại thông minh không được khóa đúng cách
Một điện thoại thông minh được khóa đúng cách sẽ không thể bị truy cập bởi bất kỳ ai. Nhưng hiện nay, có nhiều cách để khóa điện thoại thông minh và mức độ hiệu quả cũng khác nhau. Nếu bạn sử dụng mật khẩu, mã của bạn chỉ an toàn khi nó ở chế độ riêng tư.
Nhiều người nhập mã của họ ở nơi công cộng và có khả năng nó bị người khác nhìn thấy. Tính năng nhận dạng khuôn mặt cũng có thể bị “hack”. Điện thoại thông minh bị khóa theo cách này có thể được mở khóa bằng cách sử dụng ảnh của chủ sở hữu. Tùy chọn an toàn nhất để khóa thiết bị là mở khóa bằng vân tay hoặc mật khẩu mà không ai biết.
6. Bạn đã cho phép các ứng dụng trên điện thoại quá nhiều quyền
Người dùng có quyền kiểm soát hoàn toàn những gì ứng dụng được phép làm. Tuy nhiên, bạn có thể đã cho các ứng dụng quá nhiều quyền.
Nếu bạn cài đặt một ứng dụng và không hạn chế những gì ứng dụng đó có thể truy cập, như quyền truy cập hình ảnh, danh bạ, vị trí,… thì điều đó có nghĩa là bạn đang tin tưởng ứng dụng đó với sự sẵn sàng chia sẻ tất cả dữ liệu của mình. Để tránh vấn đề này, bạn nên cấp càng ít quyền càng tốt ngay cả với các ứng dụng mà bạn tin tưởng.
7. Điện thoại thông minh không cung cấp khả năng bảo vệ, chống lừa đảo
Trang lừa đảo là một trang web có vẻ hợp pháp nhưng thực chất được thiết kế để lấy cắp thông tin. Họ thường yêu cầu bạn đăng nhập vào một trong các tài khoản của bạn và khi làm như vậy, mật khẩu của bạn sẽ bị đánh cắp.
Điện thoại thông minh được thiết kế để bảo vệ khỏi phần mềm độc hại, nhưng chúng hầu như không cung cấp khả năng chống lại các trang web lừa đảo. Để tránh các trang lừa đảo, hãy luôn kiểm tra URL cẩn thận trước khi bạn cung cấp thông tin cá nhân cho nó.
8. Pegasus là một mối đe dọa nguy hiểm
Điện thoại thông minh rất khó để hack nhưng không phải là không thể.
Pegasus do NSO Group của Israel phát triển, có thể cho phép các gián điệp sử dụng phần mềm này truy cập vào ổ cứng của điện thoại bị nhiễm mã độc, qua đó có thể xem ảnh, video, e-mail và văn bản, ngay cả trên các ứng dụng liên lạc được mã hóa, chẳng hạn như Signal.
Không có thông tin nào trên thiết bị mục tiêu là an toàn. Pegasus có thể truy cập các tệp tin, từ các cuộc trò chuyện qua SMS hay dịch vụ nhắn tin được mã hóa, sổ địa chỉ, lịch sử cuộc gọi, lịch, e-mail cho tới lịch sử truy cập Internet.
Điều nguy hiểm là không có biện pháp bảo vệ nào có thể chống lại nó một cách triệt để.
Thường thì mục tiêu của Pegasus là các nhà báo, lãnh đạo chính phủ, chính trị gia đối lập, các nhân vật bất đồng chính kiến, học giả,… nên những người bình thường không cần lo lắng về nó. Điều ngạc nhiên là loại công nghệ này có sẵn cho bất kỳ ai. Nó cũng cho thấy, chỉ cần một cái giá phù hợp, điện thoại thông minh thực sự không an toàn chút nào.
Để giữ cho điện thoại của bạn an toàn nhất có thể. Điều quan trọng là bạn phải cẩn thận với những ứng dụng bạn cài đặt, những quyền bạn cấp cho chúng và những cài đặt bảo mật bạn đang sử dụng. Bạn cũng cần đề phòng các trò lừa đảo trên mạng mà điện thoại thông minh không có biện pháp chống lại.