Lưu Bị (161 - 223) tự Huyền Đức, là một nhà chính trị, nhà quân sự nổi danh và cũng là Hoàng đế khai quốc của Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Cũng bởi là một nhân vật sở hữu tầm ảnh hưởng không hề nhỏ nên sau khi Lưu Bị qua đời, hậu duệ của ông cũng đã xây dựng cho vị quân chủ này một lăng mộ bí mật với nhiều biện pháp bảo vệ để tránh những vị khách "không mời mà đến".
Và vào thời bấy giờ, một trong những phương pháp bảo vệ lăng tẩm hiệu quả cũng như phổ biến hơn cả chính là xây dựng cùng lúc nhiều ngôi mộ giả.
Thế nhưng cũng bởi vậy mà cho tới ngày nay, việc lăng mộ thực sự của Lưu Bị nằm ở nơi đâu vẫn là một trong những bí ẩn gây tranh cãi đối với hậu thế.
Giả thuyết thứ nhất: Lăng mộ Lưu Bị nằm ngay tại Thành Đô?
Sử cũ ghi lại, sau khi thất bại trong trận Di Lăng trước Đông Ngô, Lưu Bị lui quân về thành Bạch Đế và không lâu sau đó thì qua đời trong u uất vào năm 223.
Tháng 5 năm ấy, Gia Cát Lượng đưa linh cữu của ông về Thành Đô rồi cử hành nghi thức an táng vào tháng 8.
Bởi vậy nên khi nhắc tới nơi an nghỉ của Lưu Bị, nhiều người vẫn tin rằng lăng mộ của ông được đặt tại đền Vũ Hầu cũng ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay).
Giả thuyết nói trên dựa trên "Tam Quốc chí" của sử gia Trần Thọ. Những người ủng hộ giả thuyết này tin rằng Trần Thọ đã từng làm quan các lệnh sử của Thục Hán, sống trên đất Thục hơn 30 năm, hẳn là biết rõ mộ Hoàng đế năm ở nơi nào.
Không chỉ dừng lại ở đó, người trông coi đền Vũ Hầu còn từng tìm thấy tại đây nhiều gạch có niên đại từ thời Tam Quốc. Đây là loại gạch thấy ở kinh đô nhà Thục khi xưa và chuyên dùng để xây lăng mộ thời bấy giờ.
Các phát hiện này lại càng khiến cho nhiều người tin rằng những ghi chép về việc mộ Lưu Bị đặt tại Thành Đô là hoàn toàn chính xác.
Giả thuyết thứ hai: Bí ẩn về ngôi mộ hoàng tộc đồ sộ ở Bành Sơn
Tuy nhiên có giả thuyết khác lại cho rằng, mộ thật của vị quân chủ họ Lưu ấy vốn nằm ở đập Liên Hoa tại núi Bành Sơn, Tứ Xuyên ngày nay.
Những người ủng hộ luận điểm này đã bác bỏ hoàn toàn các ghi chép về việc thi hài của Lưu Bị được đưa về Thành Đô an táng và chôn cất.
Bởi lẽ, Lưu Bị qua đời vào tháng 4 âm lịch, tức là vào giữa mùa hè, thời tiết vô cùng nóng bức. Hơn nữa, đường xá lúc bấy giờ còn chưa thuận tiện, việc đi lại cũng gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, muốn di chuyển từ thành Bạch Đế về đến Thành Đô thì chỉ có hai cách là ngược đường thủy mà đi hoặc lên đường núi hiểm trở.
Và bất kể là lựa chọn con đường nào thì việc di chuyển cũng sẽ mất ít nhất hơn 30 ngày đường. Vậy liệu rằng di hài của Lưu Bị trong khoảng thời gian này có thể không bị phân hủy giữa thời tiết khắc nghiệt như vậy hay không?
Trên thực tế, Qulishi cho rằng nếu buộc phải di chuyển trong thời gian dài như vậy giữa tiết trời nắng nóng thì khi về tới Thành Đô, thi thể của Lưu Bị đã bị bắt đầu phân hủy từ lâu.
Dựa trên kỹ thuật bảo quản thời đó, việc tránh để thi thể không bị thối rữa trong điều kiện như vậy gần như là không thể.
Chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc Qulishi cũng cho rằng, Trung Hoa thời bấy giờ chưa có kỹ thuật nào đủ tốt để có thể bảo quản thi thể.
Điều này cũng giải thích cho việc vì sao năm xưa Tần Thủy Hoàng mất đột ngột trên đường từ Sơn Đông tới Quan Trung mà chỉ mới hơn 10 ngày thi thể đã có dấu hiệu bắt đầu phân hủy.
Lúc bấy giờ, Thừa tướng Lý Tư thậm chí đã phải phái người đi mua một số lượng cá chết đặt lên xe ngựa để át mùi thi thể.
Bởi vậy, những người ủng hộ giả thuyết thứ hai đều tin rằng thi thể của Lưu Bị chỉ có thể để được không quá 30 ngày là buộc phải tiến hành chôn cất.
Hay nói cách khác, Gia Cát Lượng không có khả năng đưa di thể của Hoàng đế đi bôn ba hơn một tháng trời để lặn lội về Thành Đô chôn cất.
Dựa vào những phân tích này, không ít người tin rằng chân núi Bành Sơn mới thực sự là nơi an nghỉ của Lưu Bị, còn đền Vũ Hầu ở Thành Đô chỉ là mộ giả chôn áo mũ và di vật mà thôi.
Những tranh cãi còn tồn tại xoay quanh nơi an nghỉ thực sự của Lưu Bị
Nơi được cho là mộ thật của Lưu Bị ở Bành Sơn. Ảnh: Nguồn Baidu.
Trên thực tế, núi Bành Sơn là vùng đất có phong thủy rất tốt. Nơi đây cũng tập trung đến hơn 5000 ngôi mộ cổ có niên đại từ thời nhà Hán.
Không chỉ vậy, vùng Liên Hoa từ thời xưa xưa đã từng có truyền thuyết về một ngôi mộ hoàng tộc sở hữu sở hữu quy mô lên tới hơn trăm mẫu đất.
Đặc biệt, người dân nơi này 80% đều mang họ Lưu. Và từ đời này qua đời khác, những người nơi đây vẫn thường truyền tai nhau rằng chủ nhân của ngôi mộ hoàng tộc khổng lồ kia không ai khác chính là Lưu Bị.
Lăng mộ này được bao quanh bởi 9 ngọn núi nhỏ, ở vào thế "Cửu long hồi đầu vọng" (chín rồng ngoảnh đầu lại).
Ngoại trừ nơi này thì trên toàn đất nước Trung Quốc chỉ còn Thập Tam lăng của nhà Minh ở Bắc Kinh là sở hữu địa thế phong thủy tương tự.
Vào thời phong kiến, chỉ có những bậc đế vương mới có thể được chôn cất ở một nơi như vậy.
Thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, ngôi mộ ở Bành Sơn cũng không phải làthật của vị quân chủ họ Lưu ấy.
Bởi lẽ nơi này cũng chỉ cách Thành Đô vẻn vẹn nửa ngày đi đường. Vậy lẽ nào di thể của Lưu Bị được chuyển từ thành Bạch Đế về đây cũng không bị phân hủy hay sao?
Bởi vậy nên còn có một giả thuyết khác tin rằng, Lưu Bị năm ấy đã được bí mật an táng tại núi Phụng Tiết.
Năm xưa vì để đề phòng những kẻ trộm mộ nên Gia Cát Lượng đã chia làm 4 đường nhằm mục đích đánh lạc hướng.
Thế nhưng những giả thuyết trên đây sau cùng vẫn chỉ là suy đoán của hậu thế mà thôi. Vậy nơi an nghỉ của Lưu Bị rốt cục nằm tại nơi nào? Đáp án cho câu hỏi này có lẽ chỉ có thể nhờ vào các chuyên gia cũng như giới khảo cổ giải đáp trong tương lai mà thôi…