Lưu Bị chứng minh, đàn ông biết khóc, vận mệnh không tồi

Google News

Trong mắt rất nhiều người, anh hùng thiên hạ, chẳng qua cũng chỉ như vậy, dựa vào cái dũng để lập thân, dùng cái đầu để tại vị, rồi dùng khả năng thống trị để tạo ra huy hoàng. Nhưng, có một người lại không như vậy. Người đó chính là Lưu Bị...

Thời kì Tam Quốc, loạn lạc khắp nơi, anh hùng xuất hiện không ngớt.
Ngụy - Thục - Ngô tam phân thiên hạ, mỗi quân chủ đều tự xưng bá một phương.
Nếu nói Tào Tháo được hưởng cái lợi của Thiên tử, Tôn Quyền có cái lợi về địa lý, vậy thì sự nổi lên của Lưu Bị, xứng đáng được xem là truyền kì.
Hào kiệt rong ruổi thời loạn thế, hoặc là dũng mãnh như Hạng Vũ, hoặc là hùng tài đại lược như Tần Thủy Hoàng, hoặc là gian manh khôn khéo như Tào Tháo.
Trong mắt rất nhiều người, anh hùng thiên hạ, chẳng qua cũng chỉ như vậy.
Dựa vào cái dũng để lập thân, dùng cái đầu để tại vị, rồi dùng khả năng thống trị để tạo ra huy hoàng.
Nhưng, có một người lại không như vậy.
Người đó chính là Lưu Bị.
Trong mắt nhiều người, cả trí lẫn dũng của Lưu Bị đều không bằng đối thủ, nhưng cuối cùng ông lại là người nắm được trong tay 1/3 thiên hạ.
Bởi lẽ, Lưu Bị có một tuyệt chiêu – biết khóc.
Có người thậm chí còn nói rằng, giang sơn của Lưu Bị, không phải dựa vào trí, hay dựa vào dũng có được, mà là dựa vào việc biết khóc.
Mao Zonggang, một nhà phê bình văn học nói: "Tiên chủ luôn rất giỏi trong việc khóc. Cơ nghiệp của tiên chủ, một nửa là nhờ khóc mà thành." (Tiên chủ ở đây là Lưu Bị).
Có thể thấy, Lưu Bị khóc, đó không chỉ đơn giản là một cách bộc lộ cảm xúc, mà còn là mưu lược, một sự cao minh.
Luu Bi chung minh, dan ong biet khoc, van menh khong toi
 Nhân vật Lưu Bị trên màn ảnh nhỏ.
1. Khóc được lòng người: Chỉ có chân tình, mới có được lòng người
"Khóc", tuy là một kĩ năng mà ai cũng biết, nhưng hiệu quả đạt được tới đâu thì lại còn phải xem bản lĩnh của người sử dụng.
Người biết khóc, khóc vào lòng người, khóc tới một cái độ, khóc cho tới khi thấy được kết quả mà họ muốn thấy.
Người không biết "khóc", dù có khóc tới chết đi sống lại thì cũng không có ích gì, ngược lại còn bị gán cho cái mác "yếu đuối".
Tất nhiên, Lưu Bị không chỉ biết khóc, mà còn rất "giỏi khóc".
Lịch sử Trung Quốc mấy ngàn năm, ngoài truyền thuyết Mạnh Khương Nữ vì chồng mất khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã than khóc và làm sụp đổ một góc thành ra, làm gì có ai khóc một cách mãnh liệt như Lưu Bị tới vậy?
Khóc ở Tương Dương, tiếng khóc của tình thâm nghĩ nặng, dân chúng trong thành ai cũng tình nguyện đi theo.
Khóc ở Hán Dương, tiếng khóc đau khổ tuyệt vọng, lấy được lòng của người dân 9 quận Kinh Tương.
Kiến An năm thứ 12, Tào Tháo đánh xuống phía Nam, công kích Kinh Châu.
Lưu Biểu bệnh mất, Lưu Tông không đánh mà hàng, Kinh Châu lúc này ngàn cân treo sợi tóc.
Đối mặt với quân Tào hung hãn, Lưu Bị không muốn bỏ chạy một mình, mà lựa chọn cùng bách tính trong thành vượt sông tới Tương Dương nương náu.
Bách tính trong thành người già trẻ nhỏ, bị ép rời bỏ nhà cửa, lòng ai cũng đầy một bầu trời ai oán.
Lưu Bị đứng trên thuyền trông thấy cảnh này, vô cùng đau xót, không kìm được khóc lớn: 
"Chỉ vì ta mà bách tính rơi vào cảnh đại nạn như này, ta còn sống để làm cái gì!"
Nói xong, Lưu Bị định quay người nhảy xuống sông.
Những người xung quanh vội vàng ngăn lại, khuyên Lưu Bị nên lấy đại nghiệp làm trọng, đừng coi nhẹ mạng sống như vậy.
Lưu Bị tuy không chết, nhưng hàng động của ông cũng đã cảm động được cả những người mạnh mẽ nhất.
Nước mắt của Lưu Bị lúc này, không phải là yếu đuối, cũng không phải là sợ hãi, mà là sự đồng cảm với bách tính.
Bách tính phải lưu lạc, Lưu Bị cảm thấy bất lực…
Nước mắt của Lưu Bị, là nước mắt của kẻ nhân từ, mỗi một giọt đều có thể lay động lòng người.
Có quân địch đuổi theo phía sau, phía trước lại là sông lớn, sinh tử chỉ cách nhau một sợi chỉ.
Thuộc hạ khuyên Lưu Bị bỏ lại bách tính, rời đi trước.
Nhưng Lưu Bị cự tuyệt.
Rồi thốt lên một câu lay động lòng người: "Nam tử hán muốn nên nghiệp lớn phải lấy dân làm gốc, nay người dân đều nguyện một lòng theo ta, ta làm sao có thể nỡ lòng bỏ họ mà đi!"
Lưu Bị thề chết cũng không từ bỏ bách tính, bách tính thề chết cũng phải đi theo Lưu Bị.
Cuốn "Lễ kí" có nói: "Quân tử gặp lợi không bỏ nghĩa, dù có chết cũng vẫn luôn trung thành", Lưu Bị chính là người như vậy.
Lưu Bị biết khóc, biết bất lực, biết tổn thương, nhưng quyết không phản bội lại chữ "tâm", chữ "đức".
Những giọt nước mắt của ông biến thành lời mào về lòng tốt, nó triệt để thu hút được lòng người.
2. Khóc được nhân tài: Muốn giữ chân nhân tài, trước tiên phải giữ được cái "tâm" của họ
Nếu nói cuộc đời của Lưu Bị là một bức tranh phong cảnh hùng vĩ, vậy thì Gia Cát Lượng chính là nét chấm phá vô cùng quan trọng thổi hồn và làm thay đổi cả bức tranh ấy.
Câu chuyện Lưu Bị ba lần đích thân tới mời Gia Cát Lượng xuống núi, nếu ai là fan của tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", ắt hẳn đều đã rất quen thuộc, nhưng có một điều mà có lẽ nhiều người không biết đó là, Gia Cát Lượng rời Long Trung, cũng có một phần liên quan tới câu chuyện nước mắt của Lưu Bị.
Lưu Bị vốn có một quân sư tên Từ Thứ, ông nổi tiếng là một người con vô cùng có hiếu.
Từ Thứ từng giúp đỡ Lưu Bị đánh thắng không biết bao nhiêu trận, cũng vì vậy mà được Tào Tháo để mắt đến.
Vì muốn chiêu mộ Từ Thứ về phe mình, Tào Tháo đã sai người đi "đón" mẹ của Từ Thứ về địa bàn của mình.
Bất lực, Từ Thứ chỉ có thể rời khỏi Lưu Bị, đi tới Tào doanh tìm mẹ.
Lúc tiễn Từ Thứ, Lưu Bị không mừng cũng chẳng phẫn nộ, chỉ điềm đạm như tiễn một người bạn.
Kể cả khi Từ Thứ đã đi xa rồi, Lưu Bị vẫn quyến luyến "mắt đỏ hoe trông theo".
Từ Thứ bị sự thâm tình của Lưu Bị làm cho cảm động, vì vậy mà dù đã đi được nửa đường rồi vẫn quay lại, giới thiệu Gia Cát Lượng cho Lưu Bị.
Vốn dĩ chỉ đơn giản là quân thần như bèo nước tương phùng, nhưng Lưu Bị đã lại rất nhanh chóng lấy được lòng của thần tử.
Nước mắt của Lưu Bị, vừa hay đánh động vào chỗ yếu của Từ Thứ - ra đi về phía địch, không những không bị ghi hận, mà còn có được chân tình.
Lưu Bị vừa khóc, Từ Thứ giới thiệu cho ông Gia Cát, Lưu Bị vừa khóc, có được Khổng Minh, cánh tay đắc lực nguyện dùng cả đời để phò tá Hán thất.
Luu Bi chung minh, dan ong biet khoc, van menh khong toi-Hinh-2
 Lưu Bị và Gia Cát Lượng trên màn ảnh.
Thực ra, không phải chỉ mình Gia Cát Lượng, mà ngay cả Triệu Vân, cũng là nhờ Lưu Bị khóc mà được.
Lưu Bị gặp Triệu Tử Long ở chỗ của Công Tôn Toản.
Khi ấy, Công Tôn Toản bị Viên Thiệu bao vây, Lưu Bị dẫn quân đi cứu giúp.
Trong khoảng thời gian này, Lưu Bị quen biết với Triệu Vân, đồng thời cảm thấy chí hướng đôi bên vô cùng hợp nhau.
Lúc chia tay, Lưu Bị "không nỡ buông tay, mắt đỏ hoe, không nỡ xa", điều này đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng Triệu Vân.
Sau này, trải qua vài lần gặp gỡ nữa, tình cảm hai người ngày một trở nên thắm thiết.
Mỗi một lần xa nhau là lại chia tay với rượu và nước mắt; mỗi một lần rơi lệ lại là một lần đánh động vào lòng của Triệu Vân, khiến Triệu Vân ngày một cảm thấy khăng khít.
Sau này, trải qua một vài biến cố, Triệu Vân chính thức về dưới trướng của Lưu Bị, chân thành nói với chủ tử:
"Vân bôn ba tứ phương, chưa gặp được quân chủ nào như Ngài. Nay có duyên gặp gỡ, Vân nguyện theo Ngài cả đời, dù thịt nát xương tan, cũng không hối hận."
Đối với Triệu Vân mà nói, Lưu Bị không chỉ là Bá Lạc, người biết tán thưởng cái tài của mình, mà còn là một tri kỉ đáng để mình hết lòng.
Cũng chính vì những lần rơi lệ vô cùng chân thành mà Lưu Bị đã có được cho mình hai quân thần trung thành nhất là Triệu Vân và Gia Cát Lượng.
Những giọt nước mắt của Lưu Bị, chúng rơi xuống, không chỉ đơn thuần giúp ông có được một nhân tài, mà còn giúp ông có được một trái tim trung thành hết mực.
Luu Bi chung minh, dan ong biet khoc, van menh khong toi-Hinh-3
 Lưu Bị và Triệu Vân trên màn ảnh.
3. Một Lưu Hoàn Thúc chân thật, một Chiệu Liệt đế vĩnh cửu
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Lưu Bị chiến thắng thông qua "khóc", nhờ "khóc" mà nên được đại nghiệp.
Trong lịch sử, Lưu Bị không phải một người có hình tượng "mít ướt" như vậy.
Mà là một chân hào kiệt mạnh mẽ và khôn ngoan, cái tên "Chiêu Liệt" đế cũng đã nói lên tất cả.
"Chiêu" là minh, là sáng suốt; liệt là mạnh mẽ, quyết liệt.
Khôn ngoan và mạnh mẽ, chính là hai tính từ để miêu tả Lưu Bị rõ nét nhất.
Lưu Bị đầu quân cho Tào Tháo, Tào Tháo "đi cũng cho cùng kiệu, ngồi cũng ngồi cùng ghế", còn gọi Bị là "anh hùng thiên hạ."
Lưu Bị đầu quân cho Viên Thiệu, Viên Thiệu lập tức đích thân ra ngoài Nghiệp Thành 200m nghênh đón.
Lưu Bị đầu quân cho Lưu Biểu, Lưu Biểu tiếp đãi với lễ tiết của thượng binh, ngay cả các hào kiệt Kinh Châu cũng âm thầm đứng về phía của Lưu Bị.
Bạn bè tôn trọng, địch thủ tôn trọng, binh sĩ tôn trọng, chư hầu tôn trọng, tất cả đủ nói lên một điều rằng:
Lưu Bị là một người đáng để tôn trọng.
Người như vậy, làm sao lại là một người "mít ướt"?
Thực ra, giang sơn của Lưu Bị không phải nhờ khóc mà có được, mà là bởi sự kiên cường không đầu hàng trước thất bại và nguyên tắc xử thế với chữ "nhân", từng bước từng bước kiến lập nên.
Đó mới là chiến lược thông minh của Lưu Bị, mới là Chiệu Liệt đế đích thực!
Theo PV/Doanh nghiệp và Tiếp thị

>> xem thêm

Bình luận(0)