- Để đảm bảo công bằng, khách quan giữa các cụm thi THPT quốc gia trong cả nước, các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì đều được tổ chức trong khuôn khổ của Quy chế thi THPT quốc gia. Các cụm thi này đều thực hiện theo quy trình kỹ thuật giống nhau và đều có sự tham gia của các trường ĐH, các sở GD-ĐT, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho tất cả các thí sinh ở tất cả các cụm thi.
Đến nay hầu hết các sở GD-ĐT địa phương đã thỏa thuận với các trường đại học chủ trì cụm thi trên địa bàn về việc chấm bài thi ở các Hội đồng thi do sở GD-ĐT chủ trì. Đây là việc làm chủ động, thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm của các sở GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi THPT nghiêm túc, công bằng, đúng Quy chế.
- Theo Quy chế, sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia rồi thí sinh mới được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nhưng lúc đó thí sinh chưa biết điểm chuẩn của các trường. Vậy làm sao thí sinh có thể dự đoán được xác suất trúng tuyển để đăng ký vào các trường, thưa ông?
- Có thể nói, quy chế tuyển sinh đại hoc (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 có một điểm tiến bộ so với việc tuyển sinh trước đây, đó là tiến hành thi trước và tuyển sinh sau. Theo đó, sau khi có kết quả thi, thí sinh sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Ngoài ra để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm quản lý thi để hỗ trợ thí sinh và các trường trong việc này. Theo đó, phần mềm quản lý thi sẽ cung cấp cho thí sinh biết các số liệu thống kê liên quan đến kỳ thi này.
Trong quá trình xét tuyển sinh, theo quy định của Quy chế, cứ 3 ngày một lần các trường ĐH, CĐ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt, trên website của trường sẽ công bố tình hình đăng ký xét tuyển của thí sinh đến thời điểm đó.
Cụ thể, website của trường sẽ thống kê danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp. Thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình, chỉ tiêu xét tuyển của trường để dự báo được khá chính xác khả năng đỗ hay trượt và có những điều chỉnh hợp lí quá trình đăng ký xét tuyển để đạt được kết quả tuyển sinh theo nguyện vọng.
Thí sinh cần lưu ý thêm, trong thời gian khoảng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển nếu thấy rằng khả năng đỗ không cao. Đây cũng là điểm điều chỉnh rất cơ bản hướng tới bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
- Theo Quy chế, kỳ thi THPT quốc gia 2015 thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng. Điều này có gây khó khăn cho các trường khi có nhiều thí sinh ảo và lúng túng cho thí sinh khi lựa chọn trường, ngành nghề không thưa ông?
- Sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào ĐH,CĐ, trong đó giấy số một được sử dụng để xét tuyển nguyện vọng I (đợt 1). Với mỗi giấy như vậy, thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào cùng một trường. Ở đợt xét tuyển sinh thứ nhất, phần mềm tuyển sinh sẽ hỗ trợ các trường để xét tuyển. Với cách làm như thế này, trong đợt xét tuyển thứ nhất hầu như khắc phục tình trạng thí sinh ảo. Qua kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, tôi thấy sau khi kết thúc đợt một về căn bản các trường đã tuyển sinh đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu.
Còn những phần chỉ tiêu thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu các trường sẽ tuyển bổ sung ở các đợt tiếp theo. Các đợt xét tuyển bổ sung thí sinh sẽ sử dụng đồng thời cả 3 giấy báo kết quả còn lại để đăng ký xét tuyển sinh vào các trường. Đúng là với cách làm này ở các đợt tuyển sinh bổ sung, mặc dù chỉ tiêu không còn nhiều, nhưng sẽ có hiện tượng thí sinh ảo. Chúng tôi đã tính toán việc này và trong phần mềm quản lý tuyển sinh sẽ có một số giải thuật để hỗ trợ các trường trong việc khắc phục, xử lý tình trạng thí sinh ảo.
- Việc điều động giáo viên chấm thi, coi thi kỳ thi này có sự tham gia của giáo viên THPT kết hợp với các trường ĐH, CĐ và các tỉnh thành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Khi xây dựng các Quy chế, Bộ GD-ĐT đã tính toán kỹ lưỡng các khâu tổ chức thi, trong đó, có quỹ thời gian dành cho công tác chấm thi. Các cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ có các số liệu chi tiết về lượng thí sinh đăng ký dự thi, từ đó làm cơ sở để tính toán được nhu cầu cần số cán bộ chấm thi cho từng môn là bao nhiêu, đặc biệt các môn tự luận như: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Các cơ sở này sẽ phối hợp với các sở GD-ĐT điều động đủ số lượng cán bộ chấm thi để bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Đến nay, các đơn vị đều đã có kế hoạch và sẵn sàng cho kỳ thi.
- Xin cảm ơn ông!