>>> Mời quý độc giả xem video "Diễn viên Thanh Hương kể chuyện hậu trường Quỳnh búp bê". Nguồn Youtube/ VTC14: |
|
"Quỳnh búp bê" nối dài con đường khởi sắc của phim Việt
Dù đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng "Quỳnh búp bê" - bộ phim truyện truyền hình dài 30 tập của đạo diễn Mai Hồng Phong, phát sóng trong khung giờ vàng phim Việt của VTV - vẫn được khán giả đón chờ xem từng tập.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp phim gặt hái được thành công, đó là khai thác chân thực đề tài hiếm khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ là mại dâm và nạn buôn bán phụ nữ, từ đó khắc họa số phận, góc khuất của những cô gái "làng chơi".
|
Một cảnh trong "Quỳnh búp bê". |
Phim khiến người xem đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi phơi bày một cách trực diện những yếu tố nhạy cảm thường chỉ xuất hiện rất mờ nhạt ở những bộ phim cùng đề tài trước đó.
Kịch bản "Quỳnh búp bê" cũng được xây dựng từ chất liệu của một câu chuyện có thật, mà theo như biên kịch Kim Ngân đã chia sẻ thì bà đưa "Quỳnh búp bê" lên phim bởi đây là một câu chuyện có thật, nó cực kỳ éo le, hấp dẫn mà bà cho rằng khán giả nào cũng muốn nghe, cũng muốn xem câu chuyện ấy ở trên sóng truyền hình.
Trong phim, Quỳnh búp bê (Phương Oanh), Lan "cave" (Thanh Hương) và My "sói" (Thu Quỳnh) - 3 cô gái có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng cùng bị đẩy vào con đường trở thành gái mại dâm - đều là những nhân vật có thật trong câu chuyện mà nữ biên kịch được một cô gái tên Quỳnh ở Trại phục hồi nhân phẩm Ba Vì kể cho nghe cách đây hơn 15 năm.
Từ cách làm phim có sự đầu tư nghiêm túc, ngôn ngữ tính cách nhân vật gần gũi, cộng thêm khả năng diễn xuất và tinh thần không ngại hy sinh vì nghệ thuật của dàn diễn viên trong phim, "
Quỳnh búp bê" đang nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Từ đó họ sẵn sàng bỏ qua những hạt sạn không đáng có trong phim.
Trước phim "Quỳnh búp bê", hai bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" của đạo diễn Vũ Trường Khoa và Người phán xử của đạo diễn Mai Hiền – Khải Anh – Danh Dũng cũng nhận được phản hồi tích cực của khán giả nhờ khai thác chân thực những đề tài "nóng" của cuộc sống.
|
Một cảnh gây bão trong "Sống chung với mẹ chồng". |
Mặc dù khai thác đề tài muôn thuở của điện ảnh Việt là những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu nhưng "Sống chung với mẹ chồng" lại mô phỏng hết sức chân thực, sống động. Thêm vào đó, kịch bản có nhiều tình huống mới mẻ, cộng với lối diễn xuất gần gũi, tự nhiên của diễn viên, khiến khán giả đặc biệt là các "chị - em" cảm nhận được một phần cuộc sống hôn nhân của mình trong đó.
Tương tự như thế, "Người phán xử" (được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim truyền hình ăn khách của Israel - The Arbitrator) cũng đã thành công trong việc khai tác chân thực đề tài về thế giới giang hồ. Phim nói về nhân vật Phan Quân - một ông trùm khét tiếng, chủ của tập đoàn Phan Thị và những câu chuyện về sự thù địch, mánh lới trong kinh doanh...
|
"Người phán xử" thu hút bởi những tình huống gay cấn. |
Cả "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" không những nhận được lời khen về tính chân thực, đề tài hấp dẫn, mà còn tạo nên một cơn bão thật sự trên mạng xã hội nhờ những câu thoại "đã nghe là ngấm" của mẹ chồng - bà Phương và ông trùm Phan Quân.
Bài học cho phim Việt khi khai thác đề tài hướng tới thực tế
Thành công của ba bộ phim kể trên là nhờ kịch bản đánh trúng tâm lý khán giả, khiến người xem như được chứng kiến một câu chuyện có thực ngoài đời. Sự chỉn chu và đầu tư nghiêm túc của cả đạo diễn lẫn nhà sản xuất, diễn xuất của dàn diễn viên tài năng... cũng là những yếu tố không thể bỏ qua.
Nhắc đến tính chân thật và sự nghiêm túc trong làm phim, người xem lại có dịp mang bộ phim truyền hình đang gây tranh cãi nhất thời gian này là "Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt của đạo diễn Trần Bửu Lộc ra để so sánh.
|
"Hậu duệ mặt trời" bản Việt bị soi ra những "hạt sạn" to đùng. |
Trước khi lên sóng, không khó để bắt gặp trên các kênh truyền thông về
“Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt có nói rằng đây là bộ phim mô tả hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Phim cũng khai thác đề tài mới mẻ về người lính, nhưng lại đang phải đối mặt với những tranh cãi gay gắt khi xây dựng nhiều chi tiết không sát với thực tế, các cảnh quay đều chưa tới và nhiều "sạn". Phim thậm chí còn bị Bộ Quốc Phòng yêu cầu chỉnh sửa khi làm sai sót nghiêm trọng trong việc thể hiện hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chính vì những chi tiết không sát với thực tế ấy mà "Hậu duệ mặt trời" bản Việt đang bị khán giả "soi" nhiều hơn là thưởng thức một tác phẩm truyền hình. Không chỉ những lỗi liên quan đến quân đội, khán giả cũng phải ngán ngẩm bởi sự thiếu kiến thức y học cơ bản của ê-kíp "Hậu duệ mặt trời" bản Việt, dẫn đến những chi tiết nực cười và phi thực tế.
Nhìn ra thị trường phim nước ngoài, ngay cả phim Hollywood cũng phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ khán giả, thậm chí dính kiện cáo khi đưa ra các chi tiết phim không chính xác.
Trong đó phải kể đến là bộ phim Zero Dark Thirty (Truy Sát Osama bin Laden) của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow. Phim đã bị các nhân viên tại cục tình báo trung ương Mỹ chỉ trích là các cảnh thẩm vấn, tra tấn tội phạm trong phim là "đang làm quá lên", "xa rời thực tế và các kỹ thuật thẩm vấn thể hiện trong phim lại không đúng sự thật".
|
Một cảnh tra tấn trong "Zero Dark Thirty". |
Hay như bộ phim Alexander năm 2004 từng "tái mặt" vì xuyên tạc cuộc đời đại đế Macedonia. Phim đã làm xáo trộn quá nhiều sự kiện và sự thật lịch sử về nhân vật này khiến khán giả không chỉ dừng ở mức bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội mà còn... đâm đơn kiện.
Thế mới thấy, để khiến khán giả xem phim như được chứng kiến một câu chuyện có thực ngoài đời là nỗ lực của cả một ê-kíp. "Nghệ thuật thứ 7" rất cần những bộ phim thực như đời để nối dài thêm con đường khởi sắc của phim Việt thời gian gần đây.