Họa sĩ Lê Thiết Cương từng nhắn: “Quay xong “Thời xa vắng” thì Hùng đừng quay nữa, vì không thể quay được phim nào hay hơn thế đâu”.
Tiền ở trên màn ảnh
Nhà quay phim nhớ lại: “Dạo đó tôi đang ở Vũng Tàu quay bổ sung phim “Chuyện tình biển xa”, với sự tham gia của diễn viên Hồng Ánh, Trung Dũng, thì nhận được điện thoại của Hồ Quang Minh.
Ông thông báo đã chuẩn bị xong dự án phim “Thời xa vắng”. Đạo diễn Việt kiều giục Trần Hùng “tập hợp lực lượng”. Ngay khi quay xong “Chuyện tình biển xa” Trần Hùng lập tức đi tàu cao tốc từ Vũng Tàu về Cảng Sài Gòn. Hồ Quang Minh mượn biệt thự của người chị ở Phú Mỹ Hưng làm “điểm tập kết”: “Hùng cứ ở tầng trên để nghiền kịch bản. Muốn ở bao nhiêu lâu cũng được”, ông nói. Được quen biết, được làm việc với Hồ Quang Minh là mối duyên lớn của Trần Hùng: “Ông Minh chỉ có 4 phim truyện: “Con thú tật nguyền”, “Trang giấy trắng”, “Bụi hồng”, “Thời xa vắng” rồi về với cát bụi. Phim nào ông cũng chăm chút kỹ càng, nhất là “Thời xa vắng”. Theo nhà quay phim, Hồ Quang Minh đã mất 16 năm cho dự án phim “Thời xa vắng”.
|
Cảnh trong phim “Thời xa vắng” Ảnh: Trần Hùng cung cấp
|
Trước khi đạo diễn Thụy Sĩ gốc Việt đưa “Thời xa vắng” lên phim thì cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu đã đình đám. Theo nhà văn Bích Ngân, “Thời xa vắng” của Lê Lựu ra đời như “tiếng sét trên cánh đồng chữ nghĩa vốn khá cằn khô và báo hiệu một thời tiết khác cho mùa màng văn chương”.
Còn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Thời xa vắng là bước ngoặt của nền văn học nước nhà”. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của Giang Minh Sài, từ khi ở làng đến khi vào chiến trường rồi trở về cuộc sống thời bình… Không quá khi nói rằng, Lê Lựu đã khái quát lịch sử bằng tiểu thuyết thông qua số phận của người nông dân Giang Minh Sài.
|
Trước khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam, Nguyễn Thị Huyền đóng vai Hương trong phim “Thời xa vắng”.
|
Phim “Thời xa vắng” được Hồ Quang Minh viết kịch bản dựa trên tiểu thuyết “Thời xa vắng” và một phần truyện ngắn “Bến sông” của nhà văn Lê Lựu. Trần Hùng đánh giá: “Kịch bản “Thời xa vắng” của Hồ Quang Minh đã giữ được những gì đẹp nhất, tinh tuý nhất trong tiểu thuyết của cố nhà văn Lê Lựu”.
Nhà quay phim từng hai lần “ẵm” giải quay phim xuất sắc còn cho biết thêm, ngoài đời anh và cha đẻ tiểu thuyết “Thời xa vắng” thân nhau bởi Trần Hùng có duyên với những “đứa con tinh thần” của nhà văn nổi tiếng: “Tôi cũng quay “Sóng ở đáy sông” của đạo diễn Lê Đức Tiến, phim truyền hình 10 tập chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu”. Nhưng với Trần Hùng, chỉ có “Thời xa vắng” mới giúp anh được thỏa sức sáng tạo trong vai trò của nhà quay phim.
“Riêng chọn cảnh cho “Thời xa vắng” đã mất một năm”, Trần Hùng nhớ lại. Anh chưa từng thấy đạo diễn nào “chịu chơi” cỡ Hồ Quang Minh: “Trong một cảnh, máy của tôi chạy qua chạy lại vướng hai cây nhãn, mà là nhãn cổ thụ, rất to. Tôi bối rối không biết xoay xở thế nào? Cảnh thì quá ưng nhưng chướng ngại vật chính là hai cây nhãn. Khi Hồ Quang Minh hiểu khó khăn của tôi ông quyết định dừng lại không quay nữa, để ông cho đánh hai cây nhãn đi. Riêng chi phí dịch chuyển cây ra nơi khác đã tốn bao nhiêu nhưng đạo diễn sẵn sàng chiều quay phim”.
Một kỷ niệm khác Trần Hùng không thể quên mỗi khi nhớ đến “Thời xa vắng” và đạo diễn Hồ Quang Minh: “Cảnh quay giữa nhân vật chính trị viên, do Giang Minh đóng và nhân vật Giang Minh Sài, do Ngô Thế Quân thủ vai, diễn ra tại Phúc Yên, trên một ngọn núi. Chỗ này có một dãy lô cốt, trong đó có một lô cốt trông hệt như linga, rất đẹp. Tôi thích lắm, nhưng lại bị vướng rừng bạch đàn trồng ở dưới, 5.000 cây bạch đàn tạo thành chiếc thảm xanh đầy sức sống song hoàn toàn không ổn khi xét trong hoàn cảnh chiến tranh. Tôi bày tỏ quan điểm với đạo diễn, không ngờ Hồ Quang Minh quyết định: Đốt đi. Thế là tôi dừng máy quay. Rất nhiều xăng được sử dụng để đốt 5.000 cây bạch đàn thành tro, gợi không khí thời bom đạn. Hồ Quang Minh nói một câu khiến tôi không thể quên: Tiền ở trên màn ảnh. Những người làm điện ảnh chân chính tiết kiệm từng xu nhưng khi đã “chơi” là hết mình”.
Trần Hùng tiết lộ, trong cuộc sống đời thường, đạo diễn phim “Thời xa vắng” rất giản dị, có khi chỉ ăn một ít ngô cũng xong bữa. Nhớ lại cảnh đốt 5.000 cây bạch đàn, nhà quay phim bình luận: “Hiếm có đạo diễn, nhà sản xuất nào ở ta dám “chơi” như thế!”.
|
Nhà quay phim, NSƯT Trần Hùng thời điểm đang quay “Thời xa vắng”
|
Chữa “Chuyện của Pao”
Trần Hùng là con nhà nòi. Cha anh chính là chủ nhiệm phim Trần Cam. Nhà anh ở ngay trong Hãng phim truyện Việt Nam: “Hồi trước ở số 4, Thụy Khuê có khu tập thể nằm trong xưởng luôn. Gia đình NSND Tuệ Minh, NSND Nguyễn Khánh Dư cũng từng ở đó”. Đạo diễn, nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư là người kích thích Trần Hùng đến với nghề: “Có lần ông hỏi tôi: Mày thích quay phim không? Ông còn khơi gợi: Nghề quay phim tuy vất vả nhưng rất hay...”.
Trần Hùng tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, là “quân” Hãng phim truyện Việt Nam suốt 35 năm. Dù được đào tạo bài bản, dù con nhà nòi song anh chỉ bắt đầu được nếm “trái ngọt” của nghề khi tuổi xanh đã đi qua. “Cánh diều vàng” thứ 2 trong sự nghiệp quay phim của Trần Hùng chính là “Chuyện của Pao”.
“Tôi là người chữa “Chuyện của Pao”. Lúc đầu tôi đã được mời quay “Chuyện của Pao” song lại đang bận với phim khác nên từ chối. Một nhà quay phim người Úc đã “gánh”. Cô ấy có tâm hồn, có cái nhìn bay bổng nhưng sở trường là quay phim tài liệu. Một đạo diễn đánh giá: Cô ấy quay “Chuyện của Pao” giống như người đi xe đạp cứ đạp mãi, không dừng lại được. Vì thế, tôi mới được mời chữa. Chữa còn khó hơn quay từ đầu. Giống như quần áo may hỏng phải sửa lại cho đẹp đẽ, vừa vặn ấy. Cho nên tôi đòi thù lao ngang với nhà quay phim nước ngoài kia”, Trần Hùng vui vẻ tiết lộ. Anh chỉ quay thêm khoảng 30% tổng dung lượng phim, chủ yếu quay ở Hà Nội, một phần ở Hà Giang.
Trần Hùng về hưu trước tuổi 2 năm. Tôi hỏi, trước cảnh hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam xúc cảm của người gắn bó 35 năm thế nào? Trần Hùng đáp ngắn: “Nghẹn ngào”. Anh là lứa quay phim cuối cùng của thời kỳ bao cấp, từng được lăn lộn phụ việc cho những nhà quay phim kỳ cựu của điện ảnh cách mạng như Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Hữu Tuấn…
Nếu Hồ Quang Minh chưa vội vã ra đi thì Trần Hùng còn có thêm một cơ hội “chơi” hết mình với phim ảnh, vì đạo diễn Việt kiều lúc đó đang ấp ủ dự án mới. Hiện tại, Trần Hùng đang thực hiện một dự án phim tài liệu, còn dòng phim thị trường anh không muốn hòa mình. Bởi nếu chỉ để kiếm tiền thì còn có nhiều cách khác. Trần Hùng đam mê hội họa từ xưa nên bây giờ quay sang vẽ tranh. Ơn giời, tranh cũng bán được.
Trần Hùng kể: “Khi đang quay “Sóng ở đáy sông” thì tôi nhận được lời mời quay phim tài liệu “Hạ Long Đá và Nước”, kịch bản của nhà văn Nguyên Ngọc. Có lúc ê-kip dùng xích buộc người tôi vào cửa máy bay để quay từ cửa máy bay xuống. Nhà văn Nguyên Ngọc nhìn thấy hoảng quá, thốt lên: “Thằng này liều”.