Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra, phổ biến ở trẻ em dưới 12 tuổi song có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Bệnh thủy đậu thường không nguy hiểm ở trẻ em nhưng phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch tổn thương có thể đối diện biến chứng nguy hiểm, đôi khi đe dọa tính mạng.
Trường hợp thủy đậu khi mang thai, khoảng 20% thai phụ có nguy cơ viêm phổi do virus varicella – virus gây bệnh có tỉ lệ tử vong lên đến 40%. Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu, virus này có thể phát triển mạnh mẽ và gây tử vong lên đến 50%. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi gồm ho, đau ngực khi thở, sốt, mệt mỏi,...
|
Mắc thủy đậu, mẹ bầu có nguy cơ đối diện biến chứng như viêm phổi, các vấn đề về da, bội nhiễm gây viêm tai, viêm xương tủy, viêm màng não,... Ảnh minh họa |
Ngoài viêm phổi nguy hiểm, mẹ bầu có thể đối diện biến chứng khác như các vấn đề về da. Nhiễm trùng do Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes gây ra là biến chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu.
Người bệnh có thể nhiễm trùng da như chốc lở, mụn nhọt, viêm mô tế bào, viêm hạch,... Đáng lưu ý, virus có thể thâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân cũng có thể bội nhiễm gây viêm tai, viêm thanh quản, viêm khớp, viêm xương tủy, viêm màng não,...
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ bầu, mắc thủy đậu khi mang thai có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho em bé. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào một số yếu tố, trong số đó gồm việc người mẹ mang thai được bao nhiêu tuần.
Theo Marchofdimes.org, nếu mẹ bầu bị thủy đậu trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Đây là một nhóm dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hiếm gặp có thể gây ra vết sẹo trên da; các vấn đề với cánh tay, chân, não và mắt; Biến chứng đường tiêu hóa; Cân nặng khi sinh thấp.
- Nếu bị thủy đậu trong thời gian từ 2 tuần trước sinh đến 2 tuần sau sinh, mẹ bầu có thể lây bệnh cho con. Nhìn chung, tình trạng thủy đậu ở trẻ nhỏ thường nhẹ.
- Nếu mẹ bầu bị thủy đậu ngay trước hoặc ngay sau khi sinh (5 ngày trước khi sinh và 2 ngày sau khi sinh), em bé có thể tăng nguy cơ mắc thủy đậu sơ sinh. Nhiễm trùng này có thể đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. May mắn thay, hiện khả năng điều trị ngày càng nâng cao giúp nhiều trẻ sống sót.
- Trường hợp mẹ bầu sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ), trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị biến chứng do thủy đậu.
Có thể nói, thủy đậu được xem là bệnh lành tính song mắc thủy đậu khi mang thai thực sự là điều tồi tệ, ảnh hưởng cả mẹ và con. Để “thảm họa” không xảy ra, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng thủy đậu. Vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Khoảng 90% người đã tiêm chủng có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh. Khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng cũng chỉ bị nhẹ, rất ít nốt đậu, không bị biến chứng.
Điều đáng bàn, vaccine thủy đậu không an toàn để tiêm trong thời kỳ mang thai. Nếu có kế hoạch mang thai, xét nghiệm máu cho thấy cơ thể không được miễn dịch, hãy tiêm phòng. Kế hoạch tiêm được chia thành 2 lần. Tốt nhất là đợi 3 tháng sau lần tiêm thứ hai trước khi mang thai.
Nếu mang thai nhưng chưa tiêm chủng, bạn cần tránh xa những người mắc thủy đậu và zona. Nếu mắc thủy đậu khi mang thai, hãy báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Mang thai hộ và những góc khuất