Sáng 13-5, BV cho biết nơi đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân mắc thủy đậu bị biến chứng nặng.
Theo BS Nguyễn Minh Điền, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 11-5, bệnh nhân NTM (28 tuổi, trú tại Mộc Châu, Sơn La) vào khám tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng ban dày, nốt phỏng to, rất mệt, nhận định bệnh nhân bị thủy đậu nặng nên đã chuyển vào khoa Sốt rét ký sinh trùng. Tuy nhiên, sau nửa ngày, diễn biến bệnh nhân nặng nên đã được chuyển vào khoa Cấp cứu. Thời điểm sau nhập viện, bệnh nhân bị rối loại đông máu trầm trọng.
Đến hôm nay (13-5), bệnh nhân đang rất nguy kịch, rối loạn đông máu toàn bộ, suy đa phủ tạng, tiên lượng rất xấu. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó, bệnh nhân bị ốm sốt, đã tự ý mua thuốc về điều trị và sau đó cơ thể nổi các nốt ban nhỏ nhưng chỉ nghĩ là do dùng thuốc tây nhiều, không nghĩ bị thủy đậu.
|
Thanh niên đang điều trị thủy đậu tại BV Nhiệt đới Trung ương |
Sau đau ngày thứ hai, bệnh nhân mới báo gia đình đưa vào BV đa khoa Mộc Châu khám và điều trị nhưng không đỡ. Gia đình xin chuyển bệnh nhân xuống BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tính từ thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng thủy đậu đến nay là năm ngày.
ThS-BS Nguyễn Minh Điền, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thêm biến chứng của bệnh thủy đậu rất là nhiều, mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn.
Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này. Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông).
Để phòng ngừa thủy đậu, BS Điền khuyến cáo: Vaccine chống thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau: - Tất cả trẻ em 12-18 tháng tuổi được tiêm một lần. - Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm một lần. - Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm hai lần, nhắc lại cách nhau 4-8 tuần.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80%-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt và thường là không bị biến chứng.
Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng ba ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.