Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp Y học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng gần 100 ca viêm não, trong đó có hai ca viêm não Nhật Bản còn lại viêm não do các loại virus khác.
TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho một ca bệnh viêm não Nhật Bản biến chứng rất nặng đó là bệnh nhi 10 tuổi vào trong tình trạng phù não nặng, giảm vận động, liệt nửa người. Sau quá trình điều trị tích cực chống phù não, bệnh nhi đã tạm ổn định, đang được tập phục hồi chức năng.
Khai thác tiền sử của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân dù đã được tiêm phòng vắc xin viêm não song mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 hơi dài (cách hai năm). Đồng thời, từ đó đến nay bệnh nhi không tiêm nhắc lại.
Do vậy, bệnh nhân mắc bệnh trong tình trạng rất nặng. “Đây là trường hợp điển hình của tiêm không đầy đủ và không nhắc lại theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đề ra”, bác sỹ Lâm nêu.
|
Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hải quan online. |
Cũng theo chuyên gia này, hầu hết các trẻ mắc viêm não đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Để hạn chế các biến chứng nặng của bệnh, các bậc phụ huynh không được chủ quan, cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.
Mời độc giả xem video "1 tách cà phê đủ kích hoạt cơ chế phòng bệnh kỳ diệu này". Nguồn: CSHP.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường khởi phát với các dấu hiêu sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Sau 3 hoặc 4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê.
Khoảng 20-30% số trường hợp mắc bệnh có thể tiến triển nặng dẫn tới tử vong, ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn. Sau mắc bệnh 30-50% các trường hợp có tổn thương não và thần kinh gây liệt và chậm phát triển trí tuệ.
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản một cách chủ động, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1-5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên.
|
Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian. |
Các bậc phụ huynh tại các vùng nguy cơ cao cần chủ động cho trẻ tham gia tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ 6-15 tuổi.
Lịch tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em 1-5 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Lần1: Khi trẻ đủ 1 tuổi
- Lần 2: 1-2 tuần sau lần 1
- Lần 3: 1 năm sau lần 2
Ngoài ra, để phòng viêm não Nhật Bản cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp trong mùa hè cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; Vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.