Nữ bác sĩ sản khoa giấu bố tham gia chuyến bay đặc biệt
Ba bác sĩ tham gia trên chuyến bay đón 30 công dân VN từ Vũ Hán trở về gồm:
Một bác sĩ phó khoa cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đây là bác sĩ rất quan trọng để ứng cứu, đề phòng chuyện bất trắc xảy ra nếu có tình huống gì xảy ra trên máy bay.
Một điều dưỡng khoa cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề.
Một bác sĩ sản từ Bệnh viện phụ sản trung ương được cử đi vì trong đoàn có một chị mang thai tháng thứ 8, BS được cử đi đề phòng thai phụ sinh con hoặc xuất hiện tai biến sản khoa có thể xảy ra trên chuyến bay.
|
Ba y bác sĩ tham gia chuyến bay đưa người Việt Nam từ Vũ Hán về nước hôm 10/2. Ảnh: Infonet. |
Nữ bác sĩ sản khoa N.T.H.P (sinh năm 1989, chưa lập gia đình), thông báo cho cả gia đình, trừ bố, về chuyến bay đặc biệt tới Vũ Hán đón công dân Việt Nam trở về nước hôm 10/2.
Vị bác sĩ này cho biết, ban đầu chỉ được thông báo là có 1 thai phụ khoảng 8 tháng trong số 30 công dân về nước, ngoài ra không có thông tin gì thêm.
Do đó, chị đã chuẩn bị một số kịch bản có thể xảy ra: thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay; hay bị tiền sản giật, sản giật; hay bị rau tiền đạo ra máu; bị dọa đẻ non. Sau đó với sự giúp đỡ của các thầy cô cùng nhiều bác sĩ khác chị đã lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra.
Họp bàn với các y bác sĩ của viện, chị P đã lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra.
Trước ngày đi, BS P cũng đã liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm.
"Một tháng nay do dịch, thai phụ không đi khám thai được, nhưng tôi cũng nắm được rõ hơn tình trạng của bạn ấy như tiền sử khỏe mạnh mang thai con so, quá trình khám thai hoàn toàn bình thường", nữ bác sĩ chia sẻ.
Mọi việc chuẩn bị ở bệnh viện đã xong xuôi, chị thông báo với gia đình. "Ai cũng bất ngờ và lo lắng song động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cả gia đình đã chuẩn bị đồ cho tôi mang theo trong quá trình cách ly" - chị P nói.
Đặc biệt em gái chị cũng là bác sĩ nhi ngày ngày gửi cho chị các thông tin về cách phòng lây nhiễm, các nghiên cứu về virus nCoV.
"Bố là người duy nhất không biết tôi tham gia chuyến đi này", vị bác sĩ này nói và cho biết lý do là vì sợ ông lo lắng.
Chia sẻ về chuyến đi, chị P nói có tham gia mới biết, để có chuyến bay này là cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ban ngành. Công tác chuẩn bị cho chuyến đi rất chu đáo, đoàn công tác nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ rất nhiều: Từ làm hộ chiếu công vụ, xin giấy phép đặc biệt để được mang đồ lên máy bay (có nhiều dao, kéo, dụng cụ phẫu thuật mang theo)....
Thành viên đoàn nhắc nhau chuyện mặc, cởi đồ bảo hộ....
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hỗ trợ tôi rất nhiều, từ lãnh đạo bệnh viện đến bác sĩ và điều dưỡng tham gia cùng đoàn. Các anh chị hướng dẫn tôi cách mặc và cởi đồ bảo hộ an toàn, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc,.... " - chị P nhớ lại.
Không chỉ thế, thành viên đoàn cũng có những phương án chuẩn bị từ phòng hộ cho nữ thai phụ, sắp xếp chỗ ngồi cho công dân để phòng lây chéo. Rồi nếu thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ hay tình trạng sức khỏe có vấn đề thì chuẩn bị vị trí trên máy bay để chăm sóc thai phụ được tốt nhất,...
Trong thời gian chuẩn bị, các anh chị em trong đoàn, đặc biệt là các bác sĩ, những đồng nghiệp với chị P đã thường xuyên liên lạc để chuẩn bị đầy đủ. Sau khi về Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị cho chị một phòng cách ly với đầy đủ tiện nghi.
7h sáng 10/2, sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, nữ BS cùng mọi người được đưa trở về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly 14 ngày.
2 tuần tới, có lẽ là khoảng thời gian "nghỉ" dài nhất mà chị P có từ khi bước vào nghề y, nghề bác sĩ sản khoa. Dù có lo lắng, nhưng với chị, đây là chuyến bay ý nghĩa nhất cuộc đời, không chỉ với chị mà với tất cả những ai có mặt trên chuyến bay hôm ấy...
Tiếp viên trưởng kể về 9 giờ bay không ăn uống, vệ sinh
“9 tiếng không ăn uống, không đi vệ sinh”, đó là một trong những dấu ấn khó quên của tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng, thành viên tổ bay đưa người Việt từ tâm dịch về nước.
Sau khi hoàn thành chuyến bay, tôi không nhớ rõ cảm xúc khi ấy ra sao bởi diễn biến tâm trạng thay đổi liên tục. Đây là một chuyến bay khá đặc biệt, nên chúng tôi có rất nhiều việc phải chuẩn bị để đón bà con mà vẫn đảm bảo được an toàn cho bản thân cùng cả đoàn công tác.
Cả tổ tiếp viên tham gia chuyến bay này được chọn từ một danh sách hơn 33 tiếp viên nam và nữ, đều là những người xung phong, tình nguyện.
Để tránh lây nhiễm, cả đoàn công tác mặc đồ bảo hộ ngay từ khi bắt đầu lên máy bay. Đồng thời, hành khách cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ đeo khẩu trang nên VNA không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này. Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ phòng hộ gây khó chịu cho các cháu bé.
|
Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng mặc đồ bảo hộ đọc thông báo trên chuyến bay. Ảnh: Zing. |
Trước khi lên tàu bay, hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ và trang thiết bị theo quy định. Chúng tôi cũng lên kế hoạch, chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc đón khách từ Vũ Hán, kể cả trường hợp hành khách có các triệu chứng ho sốt.
Trong suốt hành trình, hầu hết hành khách dường như mệt nên sau khi cất cánh, hầu hết mọi người đều ngủ. Một điều rất đặc biệt khác mà tôi không thể quên là trên chuyến bay có một nữ hành khách mang thai 36 tuần và trường hợp này có thể sinh bất cứ lúc nào, vì vậy tất cả tổ tiếp viên chúng tôi đã được học một nghề “tay ngang” - đỡ đẻ. Rất may là “nghề này” chúng tôi chưa phải dùng đến.
Sau khi hạ cánh, tất cả đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh.
Nhưng có lẽ cảm giác nhẹ nhõm nhất là khi cả đoàn được “thoát khỏi” bồ đồ bảo hộ. Thời điểm tới Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài hạ thấp chỉ 3 độ mà mồ hôi chảy ròng ròng trong người. 9 tiếng không ăn, uống, không đi vệ sinh (cả phi hành đoàn đều mặc bỉm để đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm), nhưng chúng tôi vui mừng vô hạn khi hành trình đặc biệt này đã thành công tốt đẹp.
Kết thúc chuyến bay đặc biệt này, cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một kỳ nghỉ bảy ngày. Nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Lybia, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản hay cuộc bạo loạn Campuchia, phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ.
Hành trình về nước đầy “hồi hộp” của lưu học sinh
Từ Phát Cường, 29 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung, là một thành viên trong đoàn được đưa về Việt Nam từ Vũ Hán.
Đường ra sân bay có nhiều chốt chặn xe, “giống như trạm thu phí vậy”, Từ Phát Cường, 29 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung, chia sẻ trên Zing.vn. Vũ Hán đang trong tuần thứ ba bị phong tỏa, nhân viên thay phiên trực ở các chốt 24/24. Cường thấy một số xe tới các trạm kiểm soát nhưng không có giấy tờ nên phải quay lại.
|
Từ Phát Cường, 29 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung, chụp ảnh cùng đoàn ở sân bay Vũ Hán sau khi làm thủ tục. Ảnh: NVCC. |
Sau đó, chính xe buýt chở người Việt cũng bị giữ lại tạm thời. Vì số người trên xe đông, nên dù đoàn đã có giấy thông hành, trạm kiểm soát vẫn chờ Sở Ngoại vụ địa phương tới để dẫn xe ra sân bay, mất 2 tiếng.
Nhân viên của trạm đã lên xe để kiểm tra thân nhiệt - giây phút “rất hồi hộp” đối với Cường và mọi người. Trước đó, một người bạn nước khác của Cường kể rằng đoàn hơn 100 người nước họ khi ra sân bay về nước thì phát hiện hai người có thân nhiệt cao, không được cho lên máy bay. Đại sứ quán cũng đã báo trước như vậy. Những ngày gần đây, mọi người nhắn tin bảo nhau giữ gìn sức khỏe, không để bị lạnh, không làm gì quá sức.
“Khá căng thẳng lúc đó... Trên đường ra sân bay một số người cũng kẹp nhiệt kế kiểm tra thường xuyên xem có vấn đề gì không”, Cường kể lại qua điện thoại, sau khi đã trở về Việt Nam an toàn, vào cách ly.
“Mình cũng mang theo nhiệt kế mà trường phát, loại kẹp vào nách... mấy ngày nay đo nhiệt độ khoảng 3 lần mỗi ngày, sáng - trưa - tối, lúc ra xe đo thêm lần nữa, may mà kết quả vẫn khoảng 36,3-36,5 độ C”, sinh viên theo học thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ nói.
Sân bay Vũ Hán vắng lặng, chỉ có đoàn của Cường. Họ sớm vào phòng chờ sau khi làm thủ tục, trong đó nhân viên ở sân bay hỏi kỹ về tình trạng sức khỏe, tiếp tục đo thân nhiệt và ghi lên tờ phiếu cho mỗi người.
Sau những phút ra sân bay hồi hộp, những câu chuyện “mắc kẹt ở Vũ Hán” dần được mọi người kể với nhau. Có những người mới lần đầu gặp, nhưng họ đều quá đồng cảm sau nhiều ngày sống giữa tâm điểm của dịch bệnh đã làm tê liệt cuộc sống ở quốc gia 1,4 tỷ dân.
Khi lên máy bay, tất cả mọi người đều mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang kín mít. Trong khoang máy bay, các tiếp viên, đều là nam và mặc đồ bảo hộ, thông báo chuyến bay không phục vụ bữa ăn vì lý do dịch bệnh, mong mọi người thông cảm. Đại sứ quán cũng báo trước như vậy, dặn mọi người chuẩn bị thức ăn nhẹ. Chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh lúc 5h04 phút sáng 10/2.
Sau 10-15 phút nữa trên xe buýt điện của sân bay, đoàn xuống xe làm thủ tục hải quan, điền đơn y tế. Trong cả quá trình, Cường vẫn mặc đồ bảo hộ trùm kín từ quần áo cho đến giày, và được phun khử trùng nhiều lần.
Trước khi lên xe buýt ra khỏi sân bay để về Hà Nội cách ly, họ thay bộ đồ bảo hộ khác, vẫn để trùm kín toàn thân, và được khử trùng lần nữa.
Sau đó, tất cả người trên chuyến bay lên xe buýt rời Vân Đồn vào khoảng 6h50 để di chuyển về nơi cách ly gần Hà Nội.
Về tới nơi cách ly, Cường vui mừng chia sẻ: “Về đây thoát khỏi tâm dịch, mọi người (trong đoàn) tâm lý vui tươi, cởi mở hơn nhiều, nói đùa cũng nhiều hơn, cũng mong 14 ngày qua nhanh, không ai có vấn đề gì”.