Tử vong khi đang chạy bộ
Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, khoảng 19h30 ngày 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi bất ngờ ngã gục khi đang chạy bộ ở Công viên Thanh Xuân (Hà Nội). Phát hiện sự việc, người nhà và người có mặt ở công viên nhanh chóng gọi cấp cứu.
Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel cho biết, sau khi nhận được tin báo khoảng 5-7 phút đội đã tiếp cận được hiện trường gần như cùng thời điểm với lực lượng 115. Tại thời điểm tiếp cận, nạn nhân đã ngừng tuần hoàn, được người dân tiến hành ép tim nhưng chưa có hiệu quả.
Để cấp cứu cho nạn nhân, lực lượng 115 đã tiến hành tiêm truyền thuốc trợ tim. Anh Việt tham gia hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Nạn nhân sau đó được chuyển lên xe cấp cứu 115 để đưa đến bệnh viện. Trong suốt quá trình di chuyển, anh Việt vẫn liên tục ép tim cho nạn nhân.
"Chúng tôi đã làm hồi sức tim phổi rất kỹ cho nạn nhân. Có thời điểm nạn nhân đã có mạch trở lại nhưng sau đó mạch lại mất. Nạn nhân được bàn giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội", anh Việt cho hay.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời điểm tiếp nhận nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện. Nạn nhân sau đó được bàn giao cho nhà đại thể.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vào tháng 9/2023, trong tiết học thể dục, một nữ sinh tại Đắk Lắk chạy được một vòng khoảng 250m thì loạng choạng, ngã xuống đất. Dù được thầy cô sơ cứu và đưa đi bệnh viện ngay nhưng nữ sinh không qua khỏi.
Tháng 11/2022, một nam sinh lớp 12 ở Bình Định đột tử khi tham gia chạy cự ly 200 m. Báo Người Lao Động dẫn nguồn tin cho biết, em L.A.T, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Số 3 Phù Cát, tử vong trong lúc thi chạy. Được biết, em T. là thành viên trong đội năng khiếu thể dục thể thao của trường về môn chạy.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhân viên y tế của trường kịp thời sơ cứu, chuyển đi trạm xá rồi chuyển thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu nhưng em không qua khỏi.
Theo khám nghiệm tử thi bên ngoài, bác sĩ kết luận sơ bộ là em T. không bị các tác động ngoại lực bên ngoài. Khả năng nguyên nhân tử vong liên quan đến vấn đề tim mạch nhưng không phát hiện sớm.
Lý do đột tử khi chạy bộ
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, có 3 lý do đột tử khi chạy bộ:
1. Bệnh tim
Khi ai đó đột ngột qua đời trong một sự kiện thể thao, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 và 30 - nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tim. Trong đó có bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại. Đây là một bất thường di truyền của các protein tạo ra các tế bào cơ tim. Tim trở nên dày bất thường ở một vùng và khi tim bơm máu, nó gặp khó khăn khi đẩy máu qua điểm dày đó.
Người ta thấy ở một khu vực của cơ tim tự nhiên xảy ra sự dày lên gấp hai ba lần so với bình thường, nhất là ở thành của một buồng tim tâm thất trái và đặc biệt là ở vách ngăn ngăn cách hai buồng tâm thất. Rối loạn tim này, chỉ bắt đầu biểu hiện vào khoảng thời gian dậy thì ở trẻ trai và trẻ gái, vì vậy không thể phát hiện ra khi mới sinh.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi chạy bộ, cơ tim không đủ máu nuôi, vì mạch máu bị kẹt lại vùng cơ tim dày, khiến cơ tim bị thiếu máu và tổn thương dẫn đến nhồi máu cơ tim. Ngoài ra còn có các bệnh lý về tim chưa được chẩn đoán hoặc tiềm ẩn.
|
Ảnh minh họa. |
2. Do thời tiết
Sự khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm khiến cơ thể dễ bị rối loạn thần kinh và rối loạn điện giải. Thời tiết lạnh làm các động mạch bị co thắt bất thường, huyết áp tăng đột ngột, vận động viên có thể bị tai biến đứt mạch máu não.
Vận động quá lâu trong thời tiết quá nóng sẽ khiến cơ thể bị mất nước và muối, trong đó có canxi và kali. Chúng đóng vai trò then chốt trong hoạt động của tế bào thần kinh và cơ bắp, đặc biệt là tế bào cơ tim. Hạ kali, tim đập nhanh, hạ huyết áp, yếu liệt, co giật và nặng sẽ tử vong. Nhiệt độ và độ ẩm từ lâu đã là những kẻ giết người thầm lặng không chỉ ở vận động viên mà còn xảy ra cho tất cả mọi người.
3. Do tích tụ axit lactic trong quá trình chạy
Thường xảy ra ở giai đoạn gần về đích. Trong quá trình vận động, chúng ta phải tăng nhịp thở để cung cấp đủ oxy đến cơ bắp. Nếu chúng ta vận động liên tục, cơ thể sẽ không đủ oxy để cơ bắp hoạt động.
Do thiếu oxy, cơ bắp sẽ sử dụng glucose dự trữ từ các tế bào để cung cấp năng lượng, nhưng con đường sử dụng năng lượng không có oxy này sẽ tạo ra các sản phẩm thoái hóa không tốt, đó là chính là axit lactic. Axit lactic tích tụ càng nhiều sẽ gây ra cảm giác nóng rát, nhức mỏi cơ, co rút cơ, vọp bẻ. Axit lactic còn ức chế thần kinh tim, nó làm cho nhịp tim chậm lại và có thể gây ngưng tim.
Cách ngăn ngừa đột tử khi chạy bộ
Chia sẻ trên Dân Trí, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam khuyến cáo: Tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Do đó, người bình thường trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.
Ngoài ra, trước khi hoạt động thể dục thể thao phải khởi động thật kỹ, nếu thấy thỉnh thoảng đau ngực, khó thở, chóng mặt, nóng rát, khó chịu ở phần trên của ngực, mọi người lập tức ngừng tập luyện, ngừng cuộc đua, không được cố gắng quá sức, mà phải đi kiểm tra sức khỏe ngay.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Báo động nhiều người trẻ đột tử khi vận động